Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu
Châu bản triều Nguyễn đã được đón nhận “Bằng di sản tư liệu” thuộc chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Sáng nay (30.7), Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản tư liệu Châu Bản triều Nguyễn thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á– Thái Bình Dương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.
Trước đó, ngày 14.5.2014, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hồ sơ “Châu bản triều Nguyễn” chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm các văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Châu bản là các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ,..
Châu bản triều Nguyễn là tư liệu lịch sử quý giá với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trong phát biểu của mình, bà Katherine Muller – Marine bày tỏ lòng biết ơn và chúc mừng những người tham gia quảng bá, tuyên truyền và giữ gìn tư liệu quý giá, đồng thời bà cũng cho rằng Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng với bất kì ai, vì nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, qua đó tiếp cận với nên văn hóa, chính trị, những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học, và những cam kết ngày nay vẫn rất mạnh mẽ.
Có thể khẳng định rằng, Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ.
Hơn thế nữa, Châu bản triều Nguyễn còn mang tính xác thực mạnh mẽ vì được ban hành và tiếp nhận, xử lý bởi chính các Hoàng đế triều Nguyễn. Hiện tại, Châu bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại kho lưu trữ chuyên biệt với điều kiện bảo quản tiêu chuẩn, được số hóa, phiên dịch, tóm tắt sang Tiếng Việt nhằm tạo điều kiện cho độc giả, các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận.
Châu bản triều Nguyễn không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, mà còn là bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Biển Đảo Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước ta, việc Châu bản triều Nguyễn được UNECO công nhận là di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị của Châu bản triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa”.
“Triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý Trường Sa, Hoàng Sa lên vị thế cao nhất, tất cả các văn bản liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đều được báo cáo lên nhà vua và được phê chuẩn. Đồng thời, những Châu bản đã cho thấy phương thức quản lý, thể hiện chủ quyền mạnh mẽ của triều Nguyễn đối với Hoàng Sa, Trường Sa, từ việc cử các đoàn thuyền, đến việc thám hiểm, đo đạc. Đây là những nét thú vị, mang tính phát hiện cao,” Giáo sư, Nhà giáo Phan Huy Lê chia sẻ.
. Theo Hà Phương - Mai Anh (VOV)