Bệnh viện đa khoa tỉnh đã làm chủ kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, vô sinh, hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Tại Việt Nam, có khoảng 7,7% cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh sản gặp phải các vấn đề về vô sinh, hiếm muộn. Tại Bình Ðịnh, tuy chưa có thống kê chính xác nhưng số người đến khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn tại BVÐK tỉnh có dấu hiệu tăng. Trước bối cảnh đó, việc BVÐK tỉnh đã làm chủ kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn được nhiều người quan tâm.
Vô sinh, hiếm muộn tăng!
Khoảng 9 giờ sáng, ngày 30.3, tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản (Khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh) một số cặp vợ chồng chờ được bác sĩ tư vấn để tiến hành thăm khám, điều trị. Các cặp vợ chồng này hầu hết ở độ tuổi 30 nhưng kết hôn vài năm vẫn chưa có tin vui. Bên cạnh đó là một số bạn nữ đang trong quá trình điều trị, đến để được tái khám, kiểm tra.
Được bác sĩ thông báo quá trình điều trị đang có tiến triển tốt, chị N.P.A (30 tuổi, ở TP Quy Nhơn), cho biết: Kết hôn đã vài năm nhưng chưa có tin vui, vợ chồng tôi cũng rất lo lắng. May thay có người thân từng điều trị ở BVĐK tỉnh và thành công nên mách nước, vợ chồng chúng tôi quyết định điều trị tại đây. Gần nhà nên việc đi lại, công việc không bị ảnh hưởng, cộng với các bác sĩ tư vấn rất chu đáo, cặn kẽ nên vợ chồng tôi yên tâm.
Theo WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề về vô sinh, hiếm muộn (7,7%), trong đó có 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Cùng với đó là tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) cũng đang gia tăng, chiếm 50% các cặp vô sinh.
Tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, BVĐK tỉnh hiện có 14 hồ sơ đăng ký điều trị vô sinh, hiếm muộn. Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, Phó trưởng Khoa Phụ sản, phụ trách Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, cho biết: Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số ca đến khám và điều trị hiếm muộn tại Khoa phụ sản có tăng. Số hồ sơ đăng ký làm thụ tinh ống nghiệm cũng ngày càng tăng.
Tư vấn cho bệnh nhân tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, Khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ.THẢO
Làm chủ kỹ thuật điều trị
Từ năm 2018, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu chuyển giao kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cho Khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh. Đến năm 2020, các bác sĩ của Khoa Phụ sản đã có thể làm độc lập, quá trình chuyển giao này kết thúc và BVĐK tỉnh đề nghị Bộ Y tế thẩm định. Đến ngày 7.2.2021, Bộ Y tế công nhận BVĐK tỉnh Bình Định đủ điều kiện, năng lực thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.
Nói về quá trình thẩm định của Bộ Y tế, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ: Chúng tôi mất gần 1 năm để chuẩn hóa quy trình theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo nghiêm ngặt, không xảy ra bất kỳ sai sót nào. Bây giờ, định kỳ 6 tháng, 1 năm, chúng tôi vẫn gửi báo cáo cho Bộ Y tế về quy trình đón tiếp bệnh nhân, tỷ lệ điều trị thành công để Bộ Y tế giám sát, kiểm tra.
Hiện tại, Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản thực hiện được 2 kỹ thuật điều trị vô sinh, gồm: Thụ tinh ống nghiệm (tỷ lệ thành công 35 - 43%), bơm tinh trùng vào tử cung (tỷ lệ thành công 23%). Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, việc BVĐK tỉnh làm chủ và thực hiện được thường quy nhiều kỹ thuật chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, trong đó có điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh nhân tạo..., nhiều ca bệnh đã ổn định tại địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên, vừa giảm áp lực cho tuyến trên, vừa giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại, ít gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống mà vẫn đạt hiệu quả tương tự.
Theo các bác sĩ điều trị hiếm muộn, việc điều trị vô sinh, hiếm muộn giờ đã được đơn giản hóa. Bệnh nhân vẫn khám, xét nghiệm theo đúng quy định của Bộ Y tế, tuy nhiên quá trình kích trứng đơn giản hơn trước đây rất nhiều. Với phác đồ mới, trong vòng 9 - 10 ngày là đủ số lượng trứng để chọc hút trứng ra, sau khi thực hiện chọc hút trứng, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày, không phải nằm lại theo dõi như trước.
Tuy mới thành lập, nhưng với một số kết quả rất đáng khích lệ, Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, BVĐK tỉnh sớm tạo được niềm tin của bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân ngoài tỉnh. Bác sĩ Tiến “bật mí”, hiện đang có 1 ca là người nước ngoài, người vợ gốc Việt, quê ở Bình Định có chồng là người Canada, đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Vì nghe có người thân điều trị vô sinh, hiếm muộn ở BVĐK tỉnh thành công, nên hai vợ chồng quyết định về quê điều trị.
Ngoài những kỹ thuật được chuyển giao từ Bệnh viện Từ Dũ, để củng cố và gia tăng niềm tin của bệnh nhân, công tác đào tạo tại Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, BVĐK tỉnh vẫn thực hiện liên tục. Theo đó, năm 2023, sẽ cử 1 bác sĩ học mổ nội soi thông vòi trứng điều trị vô sinh; năm 2024 học kỹ thuật siêu âm bơm nước buồng tử cung...
Để việc điều trị hiếm muộn thành công, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến khuyến cáo: Khi bị hiếm muộn, nhiều người nhanh chóng đổ lỗi cho người vợ, thứ đến là nhiều ông chồng rất e ngại, không muốn hợp tác với bác sĩ, gây khó khăn trong việc điều trị. Tuy nhiên, nguy cơ hiếm muộn hiện nay ngày càng lớn, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là 50 - 50 chứ không phải chỉ do nữ. Do vậy, bệnh hiếm muộn, vô sinh cũng như mọi bệnh tật khác, và để điều trị thành công thì cả hai vợ chồng cần chuẩn bị tinh thần thật chu đáo để có thể hợp tác tốt với các bác sĩ điều trị.
ÐỖ THẢO