Chợ không có điểm tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây, người dân sống gần các chợ ở TP Quy Nhơn như: Chợ Quân Trấn (phường Lý Thường Kiệt), chợ Đầm (phường Thị Nại), chợ Khu 6 (phường Ngô Mây), chợ Lớn mới (phường Lê Lợi), chợ Khu 2 (phường Trần Phú)… bức xúc trước tình trạng tập kết rác, xả rác ra đường giao thông xung quanh chợ, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Ông Lê Trọng Hùng, ở đường Tôn Đức Thắng (phường Lý Thường Kiệt), cho rằng: Sau mỗi buổi chợ, khối lượng rác thải ra rất lớn. Số rác thải này, một phần được thu gom, một phần không được xử lý, tích tụ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cũng như sinh hoạt của các hộ dân sống quanh chợ.
Rác trong chợ Đầm tập kết ngay giữa đường, vừa gây mất ATGT, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: M.T
Theo bà Lê Thị Minh Chánh, ở đường Nguyễn Chánh (phường Thị Nại), việc quản lý rác thải và nước thải tại các khu chợ cần được quan tâm nhiều hơn để bảo vệ môi trường quanh khu vực chợ. Không thể chấp nhận tình trạng sau mỗi buổi họp chợ lại đưa rác ra đường, nước thải thì chảy lênh láng.
“Người dân sống ở khu vực chợ Đầm hay người đi ngang qua cũng “khiếp sợ” bởi mùi hôi thối của những đống rác phơi nắng, chất cao và trải dài lấn hết cả đường đi. Đáng chú ý, chuột từ bãi rác chạy vào khu dân cư, nước thải từ bãi rác ứ đọng sinh ra ruồi, muỗi bay vào nhà dân”, bà Chánh bức xúc nói.
Ông Trần Phúc Danh, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm, xác nhận tình trạng quá tải về rác thải và ô nhiễm tại chợ Đầm đúng như người dân phản ánh, dù hằng ngày Ban quản lý đã tổ chức 2 lần thu gom rác và hợp đồng với Công ty CP Môi trường Bình Định đến chở đi xử lý. Nguyên nhân chính là chợ này được xây dựng gần 30 năm, thời điểm xây dựng chợ không bố trí điểm tập kết rác, nên hiện nay phải để ngoài đường, chờ xe đến chở; không có phương án nào thay thế.
Tương tự chợ Đầm, ban quản lý các chợ khác đều cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay là không có điểm tập kết rác cố định trong khu vực chợ. Do đó, xảy ra tình trạng rác thải phải tập kết tạm thời ở giữa chợ hoặc ra ngoài đường, chờ xe đến vận chuyển. Hầu hết ban quản lý các chợ đều cho biết chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định, trước đây, các chợ đều bố trí khu vực chứa rác thải. Tuy nhiên, do mặt bằng xây dựng chợ còn nhỏ, ban quản lý các chợ đã tận dụng khu vực này để cho thuê, chợ không còn điểm tập kết rác. Công ty đã hợp đồng vận chuyển rác, còn việc thu gom, để rác ở đâu là do ban quản lý các chợ tự quyết định. “Để đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường trong điều kiện các chợ không có khu vực tập kết rác trong chợ, ban quản lý các chợ nên ký hợp đồng với chúng tôi cả khâu thu gom lẫn vận chuyển rác”, ông Nghĩa nói.
MINH TUẤN