Khá lên với nghề nướng bánh tráng
Bằng cách mở lối đi mới riêng cho mình, anh Hồ Ngọc Luận ở thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn đã có thể đảm bảo kinh tế gia đình phát triển vững vàng.
Anh Luận kể, trước đây gia đình anh có nghề làm tráng bánh tráng gạo. Tuy nhiên do sự cạnh tranh ngày càng cao, với quy mô thủ công, vốn ít…, lò bánh của gia đình càng ngày càng thêm chật vật, cuối cùng anh chuyển sang mua bánh tráng về nướng, đóng gói và bán thành phẩm. “Tôi có một chút may mắn là ở Tây Sơn chưa có nhiều người làm nghề này”, anh Luận nói.
Anh Hồ Ngọc Luận làm việc ở cơ sở bánh tráng nướng của gia đình. Ảnh: Đ.M.T
Anh Luận tìm hiểu nhu cầu của thị trường qua các đầu mối ở chợ, các hiệu tạp hóa, quán ăn, đầu tư mua máy nướng bánh tráng. Để có chiếc bánh tráng nướng thơm ngon, chất lượng cao, bảo quản được lâu, anh Luận phải tìm hiểu rất kỹ, làm thử rất nhiều lần để có cách nướng phù hợp cho từng loại bánh khác nhau. Nướng bánh tráng gạo khác nướng bánh tráng mì, nướng bánh tráng gạo có mè khác với nướng bánh không mè, bánh tráng nước dừa có chế độ nướng khác hẳn với bánh thường… Bánh nướng xong, chờ nguội một chút rồi mới đóng gói.
“Cơ sở tôi cung cấp nhiều loại bánh, tất cả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể bảo quản trong 30 ngày và đến nay đều lấy từ tỉnh Tây Ninh về. Sắp tới tôi sẽ tìm hiểu để phát triển nguồn hàng trong tỉnh”, anh Luận chia sẻ.
Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Luận đưa ra thị trường từ 1.000 - 2.000 bánh tráng nướng các loại. Không chỉ có bạn hàng trong huyện, giờ đây anh đã tìm được bạn hàng ở nhiều địa phương khác như: TP Quy Nhơn, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, và tỉnh Gia Lai. “Lúc mới chuyển nghề, tôi chỉ mong mỗi ngày bán được vài trăm bánh để có việc làm, đảm bảo thu nhập nuôi sống gia đình. Nhưng rồi, hơn cả mong đợi của mình, sản phẩm của mình có chất lượng phù hợp với yêu cầu của bạn hàng nên ngày càng có thêm nhiều người đặt mua!”, anh Luận vui mừng chia sẻ.
ĐÀO MINH TRUNG