Tiềm năng từ một giống lúa mới
Sau 5 vụ sản xuất khảo nghiệm, vụ Ðông Xuân 2022 - 2023, giống lúa thuần BÐR 999 đã được đưa vào sản xuất đại trà ở 6 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, quy mô diện tích 500 ha. Giống BÐR 999 được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội và sẽ dần thay thế các giống lúa bắt đầu thoái hóa.
Giống lúa BĐR 999 được kỳ vọng tạo ra sản phẩm mới góp phần phát triển phân khúc gạo chế biến ở tỉnh Bình Định. Ảnh: THU DỊU
BĐR 999 là giống lúa thuần thuộc phân khúc gạo chế biến, đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 264/QĐ-TT-VPPN ngày 28.9.2022. Năm 2023, Sở NN&PTNT đưa giống BĐR 999 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh thuộc nhóm bổ sung, trong đó vụ Hè Thu 2023 sản xuất đại trà.
Ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTXNN Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) - người trực tiếp sản xuất 3 sào lúa BĐR 999 trong vụ Đông Xuân vừa qua, chia sẻ: So với các giống lúa thuần trước đây, giống BĐR 999 dễ làm, tiêu tốn ít phân nhưng phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, dù ảnh hưởng mưa lạnh kéo dài, khả năng đẻ nhánh của cây thấp, nhưng năng suất vẫn cao. Cùng quan điểm với ông Lý, nhiều nông dân tham gia sản xuất cũng đánh giá tốt về giống lúa BĐR 999.
“Cơ sở của tôi cung cấp gạo chế biến cho nhiều đơn vị sản xuất các sản phẩm truyền thống như bún, bánh. Qua xay xát, hạt gạo của giống BĐR 999 chắc, mẩy, sáng đều, thơm nhẹ. Nhiều chủ cơ sở phản ánh, loại gạo này dùng làm bánh tráng thì bột mịn đều, mặt bánh không bị nứt; làm bánh xèo, bánh bèo thì dai. Nhu cầu của người mua tăng nên chúng tôi tính toán ký kết hợp tác với các HTX để mua lâu dài“.
Bà Phan Thị Thu Giang, chủ cơ sở xay xát gạo Thanh Hương (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước)
Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, qua theo dõi kết quả và đánh giá thực tế tại đồng ruộng, giống BĐR 999 phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương. Trong vụ Hè Thu tới đây, chúng tôi khuyến khích tiếp tục đưa giống lúa này vào sản xuất.
Tương tự, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước cho hay, nông dân huyện Tuy Phước chuyên sản xuất giống lúa lấy gạo phục vụ chế biến, nhưng các giống cũ đã vào đà thoái hóa, địa phương rất cần giống mới với nhiều ưu điểm hơn. Từ những thông số sơ bộ có thể thấy rằng, nông dân sẽ “hít” với giống BĐR 999.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ), cho hay, giống lúa thuần BĐR 999 nhẹ phân, cứng cây và khả năng kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao không thua kém giống lúa chủ lực đang dùng như ĐV 108, Khang dân đột biến… Năng suất trung bình tại vụ Đông Xuân từ 70 - 75 tạ/ha, ở vụ Hè và vụ Thu từ 60 - 70 tạ/ha. Ưu điểm của giống lúa này là cho ra loại gạo có hàm lượng Amylose (một loại chất xơ không hòa tan trong tinh bột gạo) khoảng 27% nên rất phù hợp để dùng làm nguyên liệu chế biến bún bánh, nấu rượu. Viện đang triển khai mở rộng sản xuất để đưa giá bán lúa giống về phù hợp, giúp bà con nông dân tiếp cận và đầu tư hiệu quả.
THU DỊU