Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị thường. Do vậy, thời gian qua, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở KH&CN) đã triển khai nhiều nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ các tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh thực hiện việc truy xuất.
Bà Phan Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin- Ứng dụng KH&CN, cho biết: “Trên thị trường hiện có quá nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì thế việc chứng tỏ sản phẩm của mình có thể truy xuất nguồn gốc (TXNG) là giải pháp giúp các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh nâng cao uy tín và thương hiệu của mình. Mặt khác, TXNG còn giúp người tiêu dùng theo dõi, nhận diện sản phẩm qua từng công đoạn sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và kinh doanh. Từ năm 2018 đến cuối năm 2022, Trung tâm phối hợp với một số đơn vị liên quan, hỗ trợ TXNG cho 74 sản phẩm đặc trưng trong tỉnh, trong đó chủ yếu là nông sản và thực phẩm”.
Sản phẩm rau an toàn của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Ảnh: A.N
Từ mã QR có trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất rất nhiều thông tin (ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng…) do đó thêm yên tâm về chất lượng sản phẩm mà mình chọn mua. Là một trong bốn sản phẩm được Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN hỗ trợ TXNG trong năm 2022, sản phẩm rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của HTXNN Phước Hiệp (Tuy Phước) dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường khi được nhiều khách hàng tin dùng.
Giám đốc HTXNN Phước Hiệp Phạm Long Thăng bộc bạch: Đến nay, chúng tôi đã có hơn 13,5 ha rau sạch, mỗi ngày cung cấp cho các siêu thị và quầy rau an toàn từ 0,5 - 1 tấn rau các loại. Toàn bộ sản phẩm rau đều được gán mã QR cho phép người dùng TXNG; chính nhờ minh bạch thông tin quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng, uy tín của chúng tôi tăng lên thấy rõ. Đây cũng là yếu tố quan trọng để HTX thúc đẩy kế hoạch bán hàng trên kênh trực tuyến, nhằm mở rộng thị trường, đặc biệt là ở các tỉnh lân cận.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, DN Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm một cách đầy đủ, hệ thống mà còn giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giải pháp chống gian lận thương mại và phục vụ công tác xây dựng các chính sách điều tiết thị trường. Đồng thời, giúp DN, HTX… sản xuất, kinh doanh xây dựng cơ sở pháp lý cho sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập, quảng bá DN và nâng tầm thương hiệu để phát triển, góp phần bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.
Thực tế từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi cho phép TXNG đều bán được giá cao hơn trước đó từ 10 - 30%. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ TXNG sản phẩm, ngày 12.3.2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND về việc thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, theo đó giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung hỗ trợ các sản phẩm trọng điểm (chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh), sản phẩm được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm OCOP. Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 18, tỉnh cũng ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm, ưu tiên triển khai TXNG trên địa bàn tỉnh.
Bà Phan Thị Bích Hạnh cho biết thêm: Căn cứ nhiệm vụ được Sở KH&CN giao, năm 2023, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) triển khai hỗ trợ TXNG theo chuỗi cho 2 - 3 sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (lựa chọn trong 4 sản phẩm bưởi, ớt, dừa xiêm, xoài). Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng các địa phương thực hiện TXNG cho 5 - 7 sản phẩm đặc trưng, trong đó có bánh tráng Trường Cửu, bún Song Thằn Hưng Đắc (TX An Nhơn).
AN NHIÊN