Nghiêm trị hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Vào tù vì hám lợi
14 bị cáo đứng trước hội đồng xét xử TAND tỉnh ngày 31.3 đều ý thức rõ hành vi phạm tội của mình, song vẫn bất chấp vì lợi trước mắt. Như bị cáo Lê Thị Khoan (SN 1965, ở tỉnh Đồng Nai) khai nhận: “Từng bị xử phạt 2 năm tù treo về hành vi này, nên bị cáo biết rõ pháp luật nghiêm cấm việc làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Song, vì nhiều người có nhu cầu, mình cũng chỉ là trung gian hưởng tiền chênh lệch, nên bị cáo một lần nữa đánh liều!”.
Khoan là chủ mưu trong vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Từ năm 2019 - 2020, nhận thấy có nhiều người đang hành nghề lái tàu chưa có đầy đủ các chứng chỉ chuyên môn theo quy định, Khoan đã cấu kết với một cá nhân tên Hiền (không rõ lai lịch), móc nối với Trần Thị Hiền Hòa (SN 1988, ở TX Hoài Nhơn), Nguyễn Tấn Hải (SN 1968, ở tỉnh Quảng Ngãi) nhận các hình thẻ, CMND/CCCD pho to của các chủ tàu cá tại Bình Định để làm giả 33 chứng chỉ thợ máy, 1 chứng chỉ máy trưởng.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Khoan cùng đồng phạm. Ảnh: K.A
Trong vụ án này, Khoan là người đặt vấn đề có thể làm văn bằng, chứng chỉ giả các loại với Hòa; còn Hòa móc nối với Hải tìm người có nhu cầu làm chứng chỉ thợ máy, máy trưởng. Hải trực tiếp làm việc với người có nhu cầu. Khoan thu lợi bất chính 6,9 triệu đồng; Hòa nhận 31 triệu đồng, Hải nhận 21 triệu đồng. Ngoài ra, một số bị cáo khác thu lợi bất chính từ 600 nghìn đồng đến 2,2 triệu đồng.
Trước đó, chỉ vì thu lợi 100 nghìn đồng/chứng chỉ, bị cáo Trần Thị Tạo (SN 1970, ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) đã nhận làm 8 chứng chỉ giả thợ máy, máy trưởng. Tạo bị TAND tỉnh tuyên phạt mức án 2 năm tù giam về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trong khi đó, bị cáo Từ Minh Thiên (SN 1998, ở huyện An Lão) đã “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, Thiên thuê ô tô, lên mạng đặt làm giả 2 chứng nhận đăng ký ô tô đứng tên mình; mang 2 ô tô này đi cầm cố lấy 460 triệu đồng để tiêu dùng cá nhân và trả nợ.
Nâng cao ý thức
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, người vi phạm còn có thể bị xem xét trách nhiệm dân sự, chế tài kỷ luật tùy theo hậu quả của hành vi và vị trí việc làm của người đó theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 1.12.2022 đến nay, Viện KSND 2 cấp đã khởi tố 1 vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và 2 vụ sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, TAND tỉnh cũng đã đưa ra xét xử 5 vụ án liên quan.
Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng chủ yếu sử dụng Facebook, Zalo để quảng cáo, mời chào làm giấy tờ giả. “Nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao tạo ra giấy tờ giả (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng cấp, chứng chỉ giả) rất khó nhận biết bằng mắt thường. Bên cạnh chú trọng tuyên truyền, đơn vị cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý mạnh đối với loại tội phạm này”, ông Sang cho biết.
Để giải quyết tận gốc tội phạm này, bên cạnh sự đấu tranh quyết liệt của ngành chức năng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước. Các văn phòng công chứng, đơn vị, tổ chức khi tiếp nhận các loại giấy tờ, hồ sơ cần kiểm tra kỹ văn bằng, chứng chỉ; kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu khả nghi. Hơn hết, người dân phải nâng cao ý thức về hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng giấy tờ giả.
KIỀU ANH