Xử lý nợ thuế: Ðảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế
Cùng với việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ðối với các trường hợp cố tình chây ỳ, dây dưa không nộp thuế, cơ quan Thuế tỉnh áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, truy thu nợ thuế, nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Trong công tác quản lý, thu thuế, ngành Thuế tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người nộp thuế (NNT) tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, giảm tối đa các thủ tục hành chính và giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục liên quan, nhằm giảm chi phí, thời gian của NNT.
Công chức Cục Thuế tỉnh cùng với NNT rà soát, đối chiếu các sắc thuế, khoản thuế còn nợ cần phải xử lý. Ảnh: TIẾN SỸ
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh hỗ trợ NNT thụ hưởng tối đa chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để tạo nguồn thu bền vững. Hiện, cùng với việc thực hiện giảm các loại thuế thuê đất, mặt nước và bảo vệ môi trường cho NNT, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1.7.2020 cho NNT không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Luật Quản lý thuế và theo Nghị quyết 94/2019 của Quốc hội.
Ông Mai Xuân Lương, Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế thu nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), cho hay: Đến cuối tháng 2.2023, toàn ngành đã thực hiện khoanh nợ cho 6.148 NNT với tổng số tiền gần 604 tỷ đồng, đảm bảo 100% đối tượng được khoanh nợ đúng theo Nghị quyết số 94/2019 của Quốc hội; xóa hơn 57 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 3.710 NNT. Cục Thuế tỉnh cũng đang tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa 34,4 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 787 NNT.
Sự chủ động tích cực của Cục Thuế tỉnh không những hỗ trợ NNT tháo gỡ khó khăn, mà còn giúp chính ngành Thuế tháo gỡ nút thắt trong việc xử lý nợ không còn khả năng thu; từ đó giảm áp lực quản lý, xử lý thu nợ tiền thuế, dành thời gian và nhân lực thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thuế khác. Cách làm của ngành Thuế nhận được phản hồi tích cực của NNT, nhờ đó công tác thu thuế ngày càng thêm thuận lợi, đạt kết quả tốt.
Dù đã giảm 239 tỷ đồng so với tháng 1.2023 nhưng hiện tổng số tiền thuế còn nợ vẫn còn rất lớn - 1.590 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu do các DN còn khó khăn về mặt tài chính, song cũng có không ít DN cố tình chây ỳ, chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Theo Cục Thuế tỉnh, các ứng dụng công nghệ thông tin và việc thực hiện sâu rộng hóa đơn điện tử, cộng thêm nhiều bài toán nghiệp vụ chuyên sâu giúp cơ quan Thuế nhận diện chính xác từng đối tượng cùng các sắc thuế, khoản thuế còn nợ; đồng thời giúp xác định được nợ thuế có khả năng thu là 1.423 tỷ đồng, chiếm 89,5% tổng số tiền thuế còn nợ.
Cùng với việc đưa chính sách hỗ trợ thuế vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT phát triển sản xuất, kinh doanh, để nuôi dưỡng nguồn thu, ngành Thuế tỉnh tiếp tục kiên trì tuyên truyền nhắc nhở, kêu gọi NNT tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Khi đã gửi thư ngỏ, nhắc nhở, cảnh báo nhiều lần, nhưng NNT vẫn cố tình chây ỳ không nộp thuế, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, xử phạt hành chính, đồng thời truy thu thuế theo đúng quy định, phấn đấu xử lý triệt để số tiền nợ thuế có khả năng thu. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát hồ sơ kê khai thuế đầu vào của NNT chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tối đa nợ mới phát sinh, đảm bảo giảm số tiền nợ thuế dưới mức 8% tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.
PHẠM TIẾN SỸ