Tính ước lệ trong nghệ thuật tuồng
Suy cho cùng môn nghệ thuật nào cũng có tính ước lệ, chỉ khác nhau ở chỗ mức độ ước lệ cao hay thấp, đậm hay nhạt. khác với nhiều nghệ thuật, nghệ thuật tuồng có tính ước lệ rất cao, làm nên những giá trị lớn, cốt lõi của môn nghệ thuật này.
Ước lệ trong nghệ thuật tuồng được sử dụng qua xử lý về không gian, thời gian. Ước lệ về không gian có nhiều dạng. Thứ nhất, dùng lời kể của nhân vật để thực hiện ước lệ về không gian. Đối với nghệ thuật tuồng, để diễn tả một quãng đường dài hàng nghìn dặm từ triều đình đến biên ải xa xôi chẳng hạn, người diễn viên chỉ cần đi một vài vòng quanh sân khấu rồi dùng lời nói để kể ra là mình đã đi đến nơi. Hoặc chỉ qua lời kể của nhân vật kết hợp với các động tác đi lại, đứng ngồi, múa, diễn trong phạm vi vài chục mét vuông nơi sàn diễn giúp khán giả tưởng tượng ra, đó là cả một trời mây, non nước, núi cao, vực thẳm…
Nhân vật Chu Du trong trích đoạn Nhị khí Chu Du. Ảnh: N.T.H
Thứ nữa là dùng động tác để ước lệ về không gian. Trong nghệ thuật tuồng, diễn viên hát “lời đâu bộ đó”. Vì thế, khi họ dùng lời kể của nhân vật để thực hiện ước lệ về không gian thì lúc đó phải kết hợp thực hiện các động tác vũ đạo phù hợp với câu hát, hoàn cảnh, tính cách của nhân vật. Ví dụ, trong tuồng Hộ sanh đàn, lớp Tiết Cương gặp Lan Anh trên đường về sơn trại, đường đi đèo cao, hố sâu gai góc chập chùng. Tiết Cương xuống ngựa dùng độc phủ phát đường và cùng Lan Anh đi bộ. Anh đã dìu vợ qua các suối chỉ trong tưởng tượng của người diễn viên và làm động tác ước lệ thì khán giả vẫn đồng tình với nhân vật là đường sá khó đi, gập ghềnh khe suối. Thông qua tài nghệ diễn xuất giàu tính biểu hiện của diễn viên đã tạo nên một lớp diễn sinh động, đi vào tâm thức của khán giả bởi khả năng khái quát cuộc sống với tính ước lệ của nghệ thuật tuồng. Điều đó cho thấy, tính ước lệ cao là nét rất độc đáo của nghệ thuật tuồng.
Trong Tuồng, người diễn viên thường sử dụng đạo cụ để ước lệ về không gian, gợi trí tưởng tượng cho người xem về hành động của nhân vật. Cụ thể như chỉ một chiếc roi ngựa trên tay cộng với các động tác phù hợp của người diễn viên, khán giả có thể cảm nhận, hình dung ra nhân vật đang lên ngựa, cưỡi ngựa thong dong, phi ngựa qua đèo, qua suối hay biểu hiện được động tác ngựa vui, buồn, chiến thắng, bại trận. Tính ước lệ còn được thể hiện rõ trong các động tác như chèo thuyền, đóng, mở cửa… Thông qua một chiếc mái chèo bằng gỗ trong tay kết hợp với những động tác hình thể chao đảo, bồng bềnh của người diễn viên, khán giả được chứng kiến nhân vật đang chèo thuyền, vượt thác.
Ước lệ về sử dụng đạo cụ còn thể hiện rõ khi có yến tiệc, dù tiệc to hay nhỏ, lớn hay bé đều chỉ sử dụng một bàn tiệc với bình rượu và chén làm bằng gỗ. Chỉ chừng ấy thôi nhưng thông qua thủ pháp ước lệ trong nghệ thuật tuồng người nghệ sĩ sẽ diễn tả đầy đủ tâm trạng, tính cách nhân vật. Ước lệ về không gian qua việc sử dụng đạo cụ đã khiến nghệ thuật kể chuyện trên sân khấu vô cùng sinh động, hấp dẫn và mang tính khái quát cao.
Ước lệ về thời gian cũng có các dạng khác nhau. Thông qua tính ước lệ, một tích Tuồng là câu chuyện diễn ra vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm chỉ gói gọn trong một vài lời thoại, câu hát để ước lệ về thời gian của người diễn viên. Không chỉ dùng câu hát, lời thoại, nghệ thuật tuồng còn sử dụng động tác diễn xuất để ước lệ về thời gian. Trong tuồng Sơn Hậu, có lớp Đổng Kim Lân phò Hoàng tử đi lánh nạn lúc trời tối, phải vượt qua núi non hiểm trở. Lúc ấy, Khương Linh Tá (người bạn tri kỷ của Đổng Kim Lân đã bị giặc giết) hiện hồn thành ngọn đèn đưa đường cho bạn mình và Hoàng tử vượt qua gian khó. Đến lúc ở hậu trường có tiếng gà gáy, Kim Lân rất vui mừng vì trời đã sáng và gian nguy đang qua. Với tài nghệ diễn xuất của diễn viên thông qua hàng loạt động tác miêu tả cảnh chạy giặc khó khăn, cực nhọc suốt đêm trong rừng vắng như chống thương, tay ẵm hoàng tử, ngồi, bê, xiến… Đồng thời, khán giả cũng tường tận và cảm nhận được sự vận hành của thời gian từ đêm đến sáng và thấy rõ tâm trạng của nhân vật trước ngoại cảnh đổi thay.
Tính ước lệ của nghệ thuật tuồng còn được sử dụng như một biện pháp để lược gọn cái hình thức bên ngoài mà tập trung đặc tả cái bên trong, nội tâm của nhân vật. Chẳng hạn như cảnh Trương Phi uống rượu (tuồng Cổ Thành) cốt lột tả tâm trạng giận ức, khổ thương của con người bộc trực, nóng nảy trước sự việc mà ông tưởng lầm là đầu hàng giặc của người anh kết nghĩa Quan Công.
Tóm lại, ước lệ là một trong ba đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tuồng (ước lệ, cách điệu, tượng trưng) thường xuyên được sử dụng trên sân khấu. Ước lệ về không gian, thời gian là “mảnh đất màu mỡ” vốn có để cho người diễn viên dụng võ và làm phong phú phương thức thể hiện nhân vật, góp phần làm cho sân khấu gần gũi hơn với cuộc sống ở tầm mức khái quát cao.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG