Khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ:
Kiểm soát chặt hơn về hiệu quả
Luật Khoa học - Công nghệ (KHCN) năm 2013 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1.4.2014, gồm nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là việc khoán chi cho nhiệm vụ KHCN. Quy định này giúp kiểm soát chặt chẽ hơn về hiệu quả của các đề tài, dự án nghiên cứu.
Từ trước đến nay, đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh thực hiện hàng năm chủ yếu là từ các đơn vị, viện, trường đại học đăng ký, rồi sau đó cơ quan quản lý, Sở KHCN, Hội đồng KHCN xét chọn, rất ít đề tài, dự án được đặt hàng từ lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị… Do đó, đề tài nghiệm thu xong ít được ứng dụng nhân rộng. Khi xét duyệt hay nghiệm thu đề tài, dự án có hiện tượng hội đồng khoa học chuyên ngành nể nang, vì cùng ngành, có khi thành viên hội đồng khoa học nguyên là học trò xét duyệt cho chủ nhiệm đề tài là thầy dạy của mình… Đó là chưa kể hiện tượng trùng lắp nội dung đề tài giữa các tỉnh với nhau.
Nhiều đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được khoán chi để tạo điều kiện cho nhà khoa học đầu tư nghiên cứu.
- Trong ảnh: Vùng ruộng nghiên cứu các giống lúa của Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ. Ảnh: H.L
Quy định mới của Luật KHCN 2013 (sửa đổi) giúp nhà khoa học tự chủ trong nghiên cứu, tuy nhiên cũng đòi hỏi nghiêm ngặt hiệu quả đạt được theo hợp đồng đã ký kết. Việc khoán chi được thực hiện đối với nhiệm vụ KHCN thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ… Đồng thời việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng phải đáp ứng các tiêu chí: xác định rõ tên, chất lượng, yêu cầu cần đạt, số lượng sản phẩm, quy mô, địa chỉ ứng dụng; dự toán được tính đúng, tính đủ, và phải được phê duyệt. Ngoài ra, thủ trưởng các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ cần cam kết bằng văn bản chấp nhận phương thức khoán chi, phải hoàn thiện thuyết minh nhiệm vụ và phải được phê duyệt của cấp thẩm quyền.
Người sử dụng kinh phí được khoán chi có quyền thay đổi mục chi, nội dung chi, quyết định định mức chi. Việc cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước phải kịp thời, kịp tiến độ; kinh phí cấp phải thông qua quỹ phát triển KH&CN; việc sử dụng phải theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính.
Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN, cho biết: Một trong những khó khăn của công tác nghiên cứu là kinh phí cấp cho nhiệm vụ KHCN thường bị chậm, nên những người thực hiện đề tài có khi phải “chạy” chứng từ để thanh quyết toán. Vì vậy, thực hiện khoán chi theo Luật KHCN năm 2013 sẽ giải thoát được trường hợp trên, để nhà khoa học toàn tâm toàn ý với công việc nghiên cứu của mình. Thông qua đó, các đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu cũng sẽ có trách nhiệm hơn với kết quả của đề tài, dự án được nghiên cứu.
TÙNG LỘC