Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin tiêm chủng đến năm 2030
Bộ Y tế sẽ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030, do Cục Quản lý Dược chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng cúm cho bé tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Trường Chinh, Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Ngày 6.4, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1728/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định 1286/QĐ-TTg ngày 25.10.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình do Cục Quản lý Dược chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong tháng 5.2023.
Đồng thời, Bộ giao Cục Quản lý Dược phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc việc báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình của các địa phương vào hàng năm; phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị liên quan tổ chức sơ kết đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình vào tháng 12.2025 và tháng 12.2030.
Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về Dược, Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin nhất là đối với vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp; vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2023-2025.
Cục Quản lý Dược phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành, cung ứng vắc xin trong giai đoạn 2023-2025.
Vụ Kế hoạch và Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm vắc xin trong giai đoạn 2023-2025.
Cục Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các quy định liên quan đến sử dụng vắc xin trong giai đoạn 2023-2025.
Liên quan đến công tác triển khai ứng dụng công nghệ mới, hợp tác quốc tế, Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và đào tạo phối hợp với Cục Quản lý Dược; Cục Y tế dự phòng; Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế (NICVB); các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin và các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến bên cạnh công nghệ truyền thống để phục vụ sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần và các vắc xin khác đáp ứng nhu cầu cho phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn 2023-2025.
Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tiếp cận thông tin, mở rộng, phát huy quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong giai đoạn 2023-2025.
Về công tác phát triển nguồn nhân lực, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo được giao phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế; cơ sở nghiên cứu, sản xuất và các đơn vị liên quan ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia ở trong nước và ở nước ngoài về nghiên cứu sản xuất vắc xin trong giai đoạn 2023-2030.
Đơn vị chủ trì được giao nhiệm vụ có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao về Cục Quản lý Dược trước ngày 15.1 hàng năm.
Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, định kỳ báo cáo Bộ Y tế kết quả triển khai Kế hoạch trước ngày 15/3 hàng năm.
Việc lập kế hoạch để triển khai các nội dung được phân công cho các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu tại Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 theo Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25.10.2022 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ do các đơn vị chủ động thực hiện.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)