Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XIX - 2014:
“Những khoảnh khắc đẹp nội dung và giàu chuyên môn”
Đây là ý kiến đánh giá của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIX, về chất lượng chuyên môn của ảnh dự Triển lãm.
Hôm qua (30.7), Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XIX - 2014 (do Bình Định đăng cai tổ chức) đã khai mạc (địa điểm trưng bày tại Hoa viên Quang Trung, TP Quy Nhơn). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các chương trình hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V- Bình Định 2014, do Hội NSNA Việt Nam, Sở VH-TT&DL, Hội VH-NT Bình Định phối hợp tổ chức. Triển lãm giới thiệu đến công chúng 150 tác phẩm, gồm 15 tác phẩm đoạt giải (1 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ, 7 giải Khuyến khích) và 135 tác phẩm dự treo, được chọn từ 1.606 ảnh của 242 tác giả đến từ 10 tỉnh, thành trong khu vực gửi tham gia.
* Xin ông cho biết thành công nổi bật về chuyên môn của Triển lãm ảnh lần này?
- Chủ đề của Triển lãm ảnh khu vực lần thứ XIX là “Đất nước - con người Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”. Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo chúng tôi rất vui mừng vì đã nhận được số lượng ảnh tham gia nhiều nhất qua 19 kỳ tổ chức triển lãm ảnh khu vực. Điều này chứng tỏ phong trào nhiếp ảnh mà 10 tỉnh, thành trong khu vực xây dựng đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả. Nội dung ảnh bám rất sát chủ đề, sáng đẹp về ý nghĩa, thông điệp, thể hiện rất rõ góc nhìn lạc quan của người cầm máy nhìn vào đời sống. Đó là lấy điểm sáng thành tựu để khơi gợi, chuyển tải lòng yêu nước, yêu nhân dân cho cả người sáng tạo và người thưởng thức bằng ngôn ngữ mềm mại, đặc biệt của nhiếp ảnh. Tại triển lãm lần này không xuất hiện những bức ảnh về một Nam Trung Bộ nghèo khó, khô cằn hay những thân phận con người Tây Nguyên với vẻ đẹp hoang dã và lặng lẽ, u uẩn thường thấy. Thay vào đó là những bức ảnh thể hiện vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của phong cảnh; nét đẹp khoáng đạt, thượng võ, hồn hậu của con người; sắc màu tươi sáng của một khu vực nhiều trầm tích văn hóa, năng động vươn lên cùng các vùng miền khác trong cả nước…
Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn, xuất hiện nhiều bức ảnh có góc nhìn lạ, góc máy có sự sáng tạo, vượt hẳn 2 kỳ triển lãm gần đây nhất. Một thành công nữa là ở việc chọn kỹ thuật thể hiện. Một số tác giả chọn kỹ thuật thể hiện mới. Ví dụ như kỹ thuật HDR (nhằm tăng cường dải tương phản động của ảnh) cũng đã xuất hiện tại sân chơi này. Cách chọn ánh sáng, bố cục, vai trò nhịp điệu trong tác phẩm được các tác giả sử dụng rất có tay nghề, cho thấy họ đã nắm được kỹ thuật tương đối cao của kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại. Khâu làm ảnh cũng tốt, ảnh triển lãm kỳ này đậm đà, sắc độ đẹp và khi rọi ảnh, tác giả biết chú ý làm nổi chủ điểm chính, không để bức ảnh bị mờ nhạt như các kỳ triển lãm trước…
Có thể nói, triển lãm ảnh lần này là sự hội tụ của những khoảnh khắc đẹp về nội dung, giàu về chuyên môn nên kết quả (tức bộ tác phẩm đoạt giải) đạt được sự đồng thuận rất cao, cả Hội đồng giám khảo lẫn các tác giả tham gia.
Ngoài ra, sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức cũng hỗ trợ rất nhiều cho Hội đồng giám khảo làm việc, việc sắp xếp ảnh theo chủ đề khiến cho công tác thẩm định thuận lợi, độ chính xác cao.
* Những năm gần đây, việc áp dụng kỹ thuật photoshop vào sáng tác ảnh được giới nhiếp ảnh khai thác đến mức lạm dụng, làm mất đi tính chân thực của tác phẩm. Ảnh tham gia Triển lãm kỳ này có mắc phải “căn bệnh” phổ biến này không, thưa ông?
- Tôi khẳng định, rất đáng mừng, hầu hết ảnh tham gia triển lãm lần này, khoảnh khắc bấm máy rất được tôn trọng. Các tác giả đã tự điều tiết chứ không đợi đến giám khảo phải siết chặt. Vai trò của photoshop giảm đi rất nhiều, điều này cũng đồng nghĩa tác giả đi vào hiện thực đời sống, lấy thực tế đời sống làm tiêu biểu, chủ đạo sáng tạo và chỉ nhờ kỹ thuật nâng tính thẩm mỹ, hiệu quả truyền đạt thông điệp của tác phẩm thêm lên. Khi làm giám khảo tại bất cứ cuộc thi nhiếp ảnh nào, tôi luôn nhắc các bạn đồng nghiệp hãy luôn chú trọng tính chất nghề nghiệp này, bởi đây là cách cụ thể nhất tôn trọng chuyên môn của nghệ thuật nhiếp ảnh. Sức mạnh lớn nhất của nhiếp ảnh so với các loại hình nghệ thuật khác, là để lại cho đời sau một hiện thực không thể chối cãi được. Chuyên môn của NSNA là phải lấy khoảnh khắc làm vai trò quyết định của nghệ thuật, có như thế thì công chúng mới tin tưởng vào giá trị thật sự của nhiếp ảnh.
* Tại kỳ triển lãm này, nhiếp ảnh Bình Định mặc dù xếp thứ 3 sau Đà Nẵng và Khánh Hòa về số lượng tác giả, tác phẩm tham gia (204 tác phẩm của 31 tác giả) nhưng thành tích nghệ thuật thu về không cao, chỉ với 1 HCĐ và 1 giải Khuyến khích. Tương tự, ở những kỳ triển lãm trước, nhiếp ảnh Bình Định cũng chưa để lại dấu ấn nổi bật, xin ông cho biết vài ý kiến về vấn đề này ?
- Giới nhiếp ảnh cả nước xếp Bình Định vào danh sách các địa phương có phong trào nhiếp ảnh mạnh trong 10 tỉnh, thành khu vực, sau tốp đầu Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam. Theo tôi, đây đã là thành tích ấn tượng. Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật sáng tạo nhưng nó cũng cần môi trường để phát triển. Đà Nẵng là trung tâm lớn của miền Trung - Tây Nguyên, sự đa dạng của đề tài, điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật tốt hơn… trở thành chất liệu và hỗ trợ rất nhiều cho nhiếp ảnh. Không giống như các loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh - ngoài vấn đề sáng tạo, cảm xúc thì rất cần đến sự đầu tư về kỹ thuật. Tôi cho rằng cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, phong trào nhiếp ảnh sẽ ngày càng lớn mạnh. Tất nhiên, không thể không nói đến sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để nhiếp ảnh phát triển như đầu tư, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, mở trại sáng tác, tổ chức đi thực tế sáng tác…
Song, thành tựu lớn nhất của nhiếp ảnh Bình Định theo tôi đó là đã gầy dựng được một phong trào nhiếp ảnh rất sôi nổi, tâm huyết, đoàn kết, cùng với đó là một đội ngũ sáng tác khá hùng hậu và đặc biệt là có sự tiếp nối liên tục giữa các thế hệ. Sự bồi dưỡng đội ngũ trẻ là công tác tối quan trọng ở mọi lĩnh vực nghệ thuật. Và Bình Định đã làm được rất tốt điều này.
* Xin cám ơn ông!
SAO LY (thực hiện)