Dai dẳng nỗi lo sốt rét
Nằm trong nhóm 9/15 tỉnh, thành của khu vực miền Trung - Tây Nguyên giảm số ca mắc, nhưng nỗi lo sốt rét tại Bình Định vẫn dai dẳng.
Nhiều nỗi lo
Tới 6 tháng đầu năm 2014, Bình Định giảm sâu số ca mắc sốt rét với 94 trường hợp, giảm 51,79% so với cùng kỳ năm 2013, chỉ đứng sau Quảng Nam. Cụ thể, số ca sốt rét giảm ở 10/11 huyện, thị xã; riêng TP Quy Nhơn có 5 ca, tăng 2 ca. Tuy nhiên, trong khi tình hình sốt rét ở các vùng trọng điểm ổn định thì sốt rét ngoại lai vẫn tiếp tục là điều đáng quan ngại.
65/94 trường hợp mắc sốt rét ở 9/11 huyện, thị xã, thành phố rơi vào diện sốt rét ngoại lai, ngoại trừ Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Phân tích một cách cụ thể, cũng chỉ duy nhất huyện Tây Sơn có 5 ca mắc sốt rét tại chỗ, 13 ca sốt rét ngoại lai, các địa phương còn lại đều có 100% ca bệnh là sốt rét ngoại lai. Không chỉ các huyện đồng bằng, ngay cả huyện miền núi An Lão cũng có sốt rét ngoại lai, thay vì tại chỗ như trước đây.
Điều tra từ Trung tâm phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh cho kết quả, nguồn gốc của sốt rét ngoại lai là phần lớn người bệnh mang mầm bệnh khi đi làm ăn ở các huyện miền núi trong tỉnh và Tây Nguyên về. Riêng TP Quy Nhơn có các lao động mang sốt rét về từ Lào và Campuchia.
Tiến sĩ Hồ Văn Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cũng cho rằng, Bình Định không nằm ngoài những thách thức và khó khăn do đặc điểm sốt rét phức tạp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đó là tình trạng lượng lớn dân di biến động (di cư tự do, đi rừng ngủ rẫy, giao lưu biên giới). “Thêm vào đó là nguy cơ xuất hiện sốt rét kháng thuốc, khi ở Gia Lai đã ghi nhận ca bệnh sốt rét kháng thuốc, mà người dân Bình Định thường xuyên đi làm thuê ở đây”, Tiến sĩ Hoàng cho biết.
Nỗ lực phòng, chống
Với những biến động phức tạp của tình hình sốt rét, từ đầu năm 2014, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn và ngành Y tế các tỉnh trong khu vực đã chủ động tăng cường các biện pháp chỉ đạo phòng chống sốt rét nhằm khống chế sự gia tăng số mắc, hạn chế số tử vong và ngăn chặn dịch xảy ra. Đặc biệt, Bình Định là địa phương duy nhất thực hiện biện pháp truyền thông đến tận hộ gia đình. Trong 6 tháng đầu năm nay, các nhân viên y tế đã thực hiện 12.477 lần tuyên truyền tại hộ gia đình, với 25.444 lượt người nghe.
Theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận, diễn biến sốt rét trong thời gian tới sẽ rất phức tạp khi mùa mưa bắt đầu. Vì thế, các hoạt động phòng, chống càng được quan tâm hơn. “Mặc dù kinh phí dành cho chương trình phòng chống sốt rét đã bị cắt giảm đáng kể, nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức phát tờ rơi vào các đợt cao điểm. Tháng 9 tới, chúng tôi sẽ thực hiện điều tra sốt rét ở vùng trọng điểm”, bác sĩ Thuận thông tin.
Ngoài ra, ở các địa phương có số ca mắc sốt rét nội địa cao, công tác phòng, chống cũng được chú trọng. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh Nguyễn Văn Ngọ, cả 20 ca sốt rét ghi nhận trong 6 tháng đầu năm đều xuất phát từ khu vực rừng rẫy ở xã Canh Liên. Gần đây, có cả ngàn người đổ xô lên khu vực này để hái ươi, bên cạnh đó là lượng lớn số lao động làm rẫy ngủ chòi. “Chúng tôi chú trọng nhắc nhở người dân phải ngủ mùng khi đi làm rẫy. Không những thế, cán bộ y tế còn đi tìm gặp, lấy máu kiểm tra để phát hiện, điều trị, đề phòng lao động về địa phương lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Ngọ cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG