Chủ động phối hợp để tháo gỡ khó khăn,hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
Từng cán bộ phải chủ động phối hợp, hợp tác với nhau để tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không được có tư tưởng chờ đợi, tìm kẽ hở để “làm khó” nhau, gây ách tắc cho việc chung.
Ðó là yêu cầu quan trọng do đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, đặt ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” và 1 năm thực hiện Quy định số 02-QÐ/TU về việc phân công Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn huyện, thị xã, thành phố và cán bộ lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh theo dõi xã, phường, thị trấn, diễn ra ngày 7.4.
Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: M.LÂM
Càng khó khăn càng phải nỗ lực
Thông tin tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Giờ cho biết, thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18.3.2019 của Ban Bí thư, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 12 tổ chức đảng (trong tổng số 255 tổ chức đảng) trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước từng bước được đổi mới; hằng năm đều được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Việc xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2019 - 2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 124 tổ chức công đoàn, 16 tổ chức đoàn thanh niên, 2 tổ chức hội CCB và 2 tổ chức hội LHPN. Các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với chủ DN; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên; kịp thời phối hợp giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW vẫn còn một số hạn chế. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN tỉnh Nguyễn Quang Đức, đa số DN ngoài khu vực Nhà nước có quy mô vừa và nhỏ, số lượng đảng viên ít. Tình hình sản xuất kinh doanh của một số đơn vị còn gặp khó khăn. Đời sống một bộ phận công nhân, lao động còn khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập còn ở mức thấp... đã tác động, ảnh hưởng đến việc phấn đấu vào Đảng của quần chúng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Đặng Mạnh Cường nêu thực tế một số chủ DN không tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong DN nhưng không có hình thức xử lý. Việc duy trì hoạt động các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân gặp không ít khó khăn; một số tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân sau khi thành lập không duy trì được hoạt động, buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Từ năm 2019 đến nay, đã giải thể 1 chi bộ, 36 tổ chức công đoàn, 3 tổ chức đoàn thanh niên và 1 chi hội phụ nữ trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến kết quả kết nạp đảng trong các DN tư nhân. Giai đoạn 2019 - 2022, có 879 đảng viên mới kết nạp; trong đó có 37 đảng viên là người lãnh đạo, quản lý DN, 633 đảng viên là nhân viên, người gián tiếp sản xuất, tuy nhiên chỉ có 209 công nhân, lao động trực tiếp sản xuất.
Đảng ủy Khối DN tỉnh khen thưởng đảng viên tại lễ tổng kết lớp Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới khóa VI, ngày 24.3. Ảnh: Đảng ủy Khối DN tỉnh
Từ đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của DN tư nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; qua đó phát triển đoàn viên, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp vào Đảng.
“Phải khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu kết nạp cho từng cấp ủy. DN nhỏ và siêu nhỏ đối diện với rất nhiều khó khăn, họ không mặn mà thì trách nhiệm của chúng ta là kiên trì thuyết phục, khó đến mấy cũng phải cố gắng. Quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói.
Bên cạnh đó, khi đã hình thành được tổ chức đảng trong DN tư nhân thì cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện cho tổ chức đảng hoạt động và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Từng cán bộ phải trăn trở, tư duy cùng lãnh đạo địa phương
“Từng cán bộ phụ trách địa bàn phải gắn bó với cơ sở, trăn trở, tư duy cùng lãnh đạo địa phương. Phải làm bài bản, thực chất, không được “đánh trống bỏ dùi”, để cán bộ phụ trách địa bàn thật sự là cánh tay nối dài của lãnh đạo tỉnh”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Triển khai thực hiện Quy định số 02-QĐ/TU ngày 29.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có 10 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách địa bàn huyện, thị xã, thành phố, 159 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh được phân công theo dõi địa bàn xã, phường, thị trấn.
Thị ủy Hoài Nhơn rất quan tâm đến công tác này. Ban Thường vụ Thị ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy định số 02-QĐ/TU, nhận thấy cán bộ được phân công cơ bản phát huy vai trò, trách nhiệm; sắp xếp thời gian hợp lý, tham dự, chỉ đạo, tham gia ý kiến tại các hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.
“Các đồng chí đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm trạng của nhân dân, mối quan hệ giữa nhân dân với hệ thống chính trị ở cơ sở; từ đó kịp thời tiếp thu, nắm bắt những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của địa phương để giải thích hoặc phản ánh kịp thời cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp”, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoài Nhơn Lê Tự Hồng nhận định.
Liên quan đến việc thực hiện Quy định số 02-QĐ/TU, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh đề xuất điều chỉnh quy định cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh có thể về địa bàn phụ trách hằng quý, thay vì hằng tháng như hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất theo hướng giảm yêu cầu số lần về địa bàn, nhưng cần tăng cường trách nhiệm trao đổi thông tin hai chiều giữa cán bộ phụ trách địa bàn và lãnh đạo địa phương.
Tổng hợp báo cáo năm của các cán bộ phụ trách địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết nhiều người đã nắm bắt được những bất cập, vướng mắc ở địa phương; có đánh giá sinh động, tâm huyết; đóng góp nhiều ý kiến hay, giúp Thường trực Tỉnh ủy hình dung ra những vấn đề nổi lên ở địa phương, hữu ích cho sự điều hành của lãnh đạo tỉnh.
“Phụ trách địa bàn không phải đúng ngày đúng giờ xuống ngồi nghe cho qua chuyện; làm cho xong việc để có báo cáo đối phó. Từng cán bộ phải cùng gắn bó với cơ sở, trăn trở, tư duy cùng lãnh đạo địa phương. Các đồng chí có thể tham gia các cuộc đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; lắng nghe phản ánh của người dân, nhất là những vấn đề trái chiều. Các đồng chí cứ phản ánh, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị liên quan đến những tồn tại ở cơ sở, sai phạm của cán bộ. Thường trực Tỉnh ủy xin hứa sẽ tiếp thu, thông tin trao đổi kết quả giải quyết để các đồng chí có cơ sở làm việc lại với địa phương”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng đặt ra yêu cầu phải có hướng dẫn mới theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn, nhất là về cơ chế trao đổi thông tin giữa địa phương và cán bộ phụ trách địa bàn; nhận xét, đánh giá cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn phải trung thực, khách quan. “Phải làm bài bản, thực chất, không được “đánh trống bỏ dùi”, để cán bộ phụ trách địa bàn thật sự là cánh tay nối dài của lãnh đạo tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, đảng ủy cấp xã định kỳ mời cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn tham dự các cuộc họp của cấp ủy có nội dung quan trọng. Phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách, theo dõi địa bàn trong làm việc, trao đổi thông tin liên quan; đặc biệt là tạo điều kiện để cán bộ theo dõi địa bàn làm việc với các thôn, làng, khối phố.
MAI LÂM