Tiếp sức cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển
Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Các chương trình, đề án khuyến công thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở công nghiệp nông thôn, qua đó còn kích thích tinh thần chủ động của các cơ sở này.
Năm 2023, UBND tỉnh quyết định cấp hơn 2,8 tỷ đồng (đợt 1) hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở công nghiệp nông thôn (CNTN). Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) trao đổi về vấn về đổi mới trong triển khai thực hiện các chương trình khuyến công, đáp ứng với nhu cầu của các cơ sở CNNT.
* Chương trình khuyến công hỗ trợ các cơ sở CNNT mà Trung tâm triển khai thực hiện trong năm 2023 có điểm gì mới so với mọi năm, thưa ông?
- Từ tháng 4.2022, Sở Công Thương đã có hướng dẫn các địa phương đăng ký kế hoạch khuyến công năm 2023. Thực hiện chỉ đạo của Sở , Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các phòng kinh tế/kinh tế và hạ tầng các địa phương định hướng, hướng dẫn các cơ sở CNNT xây dựng đề án đăng ký hỗ trợ khuyến công.
Đến nay có 78 đề án/11 địa phương đăng ký tham gia chương trình khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 37 tỷ đồng, trong đó đề nghị Nhà nước hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng. Đây là năm Trung tâm nhận được nhiều đề án đăng ký nhất. Để đảm bảo hoàn thành các đề án trong tháng 10.2023 theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 với tổng kinh phí hỗ trợ 2,842 tỷ đồng.
Từ sự tạo đà của nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, các cơ sở CNNT trong tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã. Ảnh: HẢI YẾN
* Các cơ sở có nhu cầu hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng, nhưng sau thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 2,842 tỷ đồng (đợt 1). Theo ông, mức hỗ trợ như vậy…
- Tổng kinh phí khuyến công năm 2023 được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, giao hỗ trợ 5,1 tỷ đồng. Trong đó Khuyến công quốc gia hỗ trợ 800 triệu đồng (15,6%) và phần còn lại là của địa phương (84,4%). Các cơ sở CNNT được hỗ trợ từ 90 - 200 triệu đồng/đề án. Nhà nước chỉ hỗ trợ thôi chứ rất khó có thể đáp ứng hết được; hơn nữa sự hỗ trợ này có tính chất tạo đà, động viên.
Thời gian qua, với nguồn vốn hỗ trợ từ khuyến công, các cơ sở CNNT trong tỉnh có thêm điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Đồng thời, các cơ sở CNNT có thể khai thác tối đa nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
* Ngoài hoạt động hỗ trợ vốn, Trung tâm còn nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm CNNT. Các cơ sở CNNT muốn tham gia hoạt động này thì cần chuẩn bị những gì, thưa ông?
- Trung tâm sẽ tổ chức tham gia gian hàng chung tại một số hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kinh phí để các DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn để hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra trong tháng 6.2023 Trung tâm phối hợp tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và Làng nghề Bình Định 2023; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại TP Quy Nhơn năm 2023.
Các cơ sở CNNT đủ điều kiện tham gia hoạt động này là các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở làng nghề trong tỉnh Bình Định; được thành lập và cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành; cái chính là có ngành nghề, thị trường, mặt hàng, sản phẩm phù hợp với sự kiện. Cơ sở CNNT có nhu cầu chuẩn bị hồ sơ đề nghị tham gia thực hiện chương trình theo quy định, sau đó sẽ được hướng dẫn cụ thể.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)