Xem - Nghe - Đọc
* Giải phóng Sài Gòn là một bộ phim điện ảnh do Hãng phim Giải Phóng sản xuất, dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. Phim được Nhà nước đầu tư lớn và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục - 13 năm. Phim được công chiếu lần đầu nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện 30 tháng 4 (30.4.1975 - 30.4.2005) và từ đó thường được công chiếu hằng năm vào dịp này. Phim tái hiện một số sự kiện lịch sử chính trong quá trình quân Giải phóng tiến vào TP Sài Gòn. Bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột… Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng biệt động trong thành phố, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn.
* Nếu lúc đó là bản rap mới của rapper tlinh viết theo phong cách hip hop, lấy cảm hứng từ chuyện tình buồn, sự mềm yếu, tổn thương của người con gái sau chia tay. “Nếu lúc đó ta không buông tay/ nếu lúc đó ta không trốn chạy/ nếu lúc đó mình đừng như thế/ có lẽ... có lẽ...”. Thật ra khi mọi chuyện đã khép người ta đặt giả thuyết “nếu” dù biết cũng chẳng để làm gì. Có lẽ vì thế nên dù rất luyến tiếc nhưng như tlinh đã hát “nhưng có lẽ mọi thứ đã phải diễn ra như vậy để em thấy/ em phải yêu mình/ đã đến lúc em phải nhận ra em đã luôn tự lừa dối con tim…”. Rapper sinh năm 2000 này yêu thích âm nhạc từ nhỏ, được bố mẹ tạo điều kiện học piano, guitar. Lúc 13 tuổi, cô thử sức với Giọng hát Việt nhí nhưng dừng chân trước vòng ba.
* Lời tự thú của chiếc mặt nạ, tiểu thuyết của Yukio Mishima, Phạm Phương dịch. Bằng lời thú tội không một chút giả dối, không một chút định kiến, không cần tự biện minh, Mishima dẫn dắt bạn đọc khám phá các đối cực của tâm lý, đưa người đọc vào một cuộc hành trình hướng về bóng tối trong thẳm sâu bản chất người. Đằng sau lời thú tội, gỡ đi lớp mặt nạ giả tạo, người ta phải dùng bộ mặt thật để đối diện, khám phá những điều thiêng liêng của sự tồn tại, khát vọng sống và hướng về một cái chết đẹp đẽ. Khi tiểu thuyết ra mắt công chúng, nhà văn nổi tiếng Kawabata Yasunari lập tức ca ngợi cuốn sách và xem Yukio Mishima là “niềm hy vọng của thập niên 50”.
Đ.A