BS.CKII VÕ ÐÌNH LỘC, TRƯỞNG KHOA HUYẾT HỌC BVÐK TỈNH:
Mong Bình Ðịnh sớm có điểm hiến máu cố định
Gắn bó lâu dài với lĩnh vực huyết học, dành nhiều tâm huyết cho hiến máu tình nguyện, BS.CKII Võ Ðình Lộc, Trưởng Khoa Huyết học BVÐK tỉnh, luôn trăn trở, mong mỏi Bình Ðịnh sớm có điểm hiến máu cố định.
*Huyết học đã trở thành máu thịt
BS.CKII Võ Đình Lộc tốt nghiệp Y khoa năm 1995 chuyên ngành bác sĩ Ngoại - Sản. Năm 1996, anh về BVĐK tỉnh làm việc. Thời gian đó, bác sĩ huyết học của bệnh viện rất ít nên Ban giám đốc động viên BS Lộc về làm việc tại khoa Huyết học - Truyền máu và anh đã đồng ý. Thấm thoát đã 27 năm trưởng thành trong môi trường này, BS Lộc luôn nỗ lực đóng góp công sức phát triển lĩnh vực huyết học - truyền máu vì xem đó là cuộc sống của mình.
* Vì sao anh lại gắn bó với Huyết học - Truyền máu, khi ngay từ đầu anh không chọn học chuyên ngành này?
- Khi chọn chuyên khoa Huyết học, tôi nhận ra điều thú vị - từ kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân, một bác sĩ huyết học có thể đánh giá được tình trạng bệnh của bệnh nhân. Ví dụ, tôi biết rất rõ một bệnh nhân bị thiếu máu do nguyên nhân gì, vì sao bệnh nhân bị ung thư máu thông qua xét nghiệm huyết đồ, tủy đồ. Căn cứ vào đó, tôi định hình đó là bệnh gì.
Trong khi đa số bác sĩ lâm sàng chỉ hiểu rõ triệu chứng lâm sàng, bác sĩ xét nghiệm biết về xét nghiệm; nhưng bác sĩ huyết học liên kết hai yếu tố này lại, vừa làm các xét nghiệm vừa có thể kiểm tra bệnh nhân. Chính điều thú vị đó đã làm cho tôi gắn bó với mảng này.
Thứ hai, chuyên ngành Truyền máu là mảng cực kỳ lớn. Thời điểm tôi về BVĐK tỉnh, phong trào hiến máu trên toàn quốc mới manh nha khởi động. Ở BVĐK tỉnh, vẫn có lời đồn râm ran về việc bán máu, cứ một bịch máu quy ra một chỉ vàng. Tôi cùng với các anh chị triển khai phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN), tiếp xúc với nhiều người, góp sức thay đổi nhận thức, thái độ của họ về HMTN. Dần dần số người HMTN từ 20 - 30 đơn vị máu/tháng đến nay đã tiếp nhận hơn 20.000 đơn vị máu/năm. Càng làm, tôi thấy môi trường này thích hợp với mình, làm mình năng động, tiếp xúc, tư vấn được nhiều người về hiến máu.
Bên cạnh đó, tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều chuyên gia tại những hội nghị, hội thảo, các trung tâm truyền máu trên toàn quốc, thấy điều họ chia sẻ, giới thiệu hấp dẫn với mình.
Các bạn trẻ tham gia hiến máu tại một Ngày hội hiến máu tình nguyện đầu năm mới 2023. Ảnh: CLB 25
* Như anh nói, chuyên ngành Truyền máu là mảng cực kỳ rộng…
- Đúng vậy, mọi người chỉ thấy nhân viên y tế thực hiện một việc ở bên ngoài, đó là lấy máu thôi. Còn thực sự bên trong có rất nhiều vấn đề khác, như xét nghiệm túi máu, sản xuất các chế phẩm máu, xét nghiệm phù hợp để truyền máu an toàn... Công việc đã ăn sâu trong tiềm thức, là việc làm mỗi ngày, trong môi trường quen thuộc. Thật ra, chuyên ngành Huyết học có rất nhiều mảng lớn như mảng truyền máu, xét nghiệm huyết học và huyết học lâm sàng. Nguyện vọng của tôi là làm sao phát triển mảng Truyền máu, nhưng thực sự mình tôi không thể làm nổi.
Từ năm 2009, sau khi học chuyên khoa I về, tôi kết hợp với bác sĩ hệ Nội điều trị về bệnh lý huyết học, cập nhật được một số phương thức điều trị về bệnh lý huyết học lành tính như các bệnh lý thiếu máu, rối loạn sinh tủy, thiếu giảm tiểu cầu miễn dịch, Thalassemia (tan máu bẩm sinh), Hemophilia (rối loạn đông máu)... Mong muốn trong tương lai gần tỉnh sẽ mở rộng việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh Thalassemia và Hemophilia là hai căn bệnh hiểm nghèo về máu, do di truyền.
Trong tương lai, tôi mong muốn khoa Huyết học BVĐK tỉnh có thể xét nghiệm chuyên sâu được Thalassemia và Hemophillis ở mức độ di truyền. Riêng bệnh Thalassemia ảnh hưởng đến chức năng sống của người bệnh và phụ thuộc vào truyền máu, họ cần được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả để có thể sống cuộc sống bình thường. Còn Hemophilia ảnh hưởng đến biến dạng khớp và ảnh hưởng đến vận động. Hai bệnh này hiện tại chưa được quan tâm nhiều, tôi mong có các hệ thống xét nghiệm lớn để tầm soát và chẩn đoán trong cộng đồng từ giai đoạn tiền hôn nhân.
BS Võ Đình Lộc tham gia một sự kiện liên quan đến HMTN. Ảnh: CLB 25 Bình Định
Mong muốn có điểm hiến máu cố định
* Anh có cảm thấy hài lòng với phong trào HMTN, sự chuyển biến từ người hiến máu chuyên nghiệp trước đây đến bây giờ?
- Thật sự có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân, trong lãnh đạo, đặc biệt là Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh. Trung tâm Huyết học - Truyền máu đã làm tốt công tác truyền thông, tập huấn cho cán bộ vận động hiến máu tại các địa phương trong tỉnh.
Khoa Huyết học của BVĐK tỉnh chỉ có 40 nhân viên nhưng có thể tổ chức các đợt hiến máu lớn, với khoảng 1.200 đơn vị máu tiếp nhận trong một ngày.
Công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động có những chương trình riêng cho các huyện, thay đổi rất lớn nhận thức của người dân. Chúng tôi còn mong muốn thay đổi được nhận thức người dân hiến máu là không nghĩ đến chuyện nhận tiền hay quà tặng. Tôi đang kết hợp với các đơn vị tăng cường tập huấn, tiếp tục thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu thể tích 350 ml, thay vì chỉ 250 ml như lâu nay.
* Anh có thể chia sẻ thêm về các sáng kiến, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả HMTN?
- Trước đây, việc hiến máu thường tổ chức tập trung ở một điểm lớn. Hai năm qua, tôi đề xuất triển khai tại điểm cụm xã, hạn chế việc đi lại của người dân và tăng được lượng người đến hiến máu, đạt được chỉ tiêu đăng ký. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng, tạo sự lan tỏa tinh thần HMTN trong toàn xã, thu hút người dân toàn xã tham gia.
Năm 2021, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về điều trị bệnh Thalassemie tại BVĐK tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc truyền máu, hỗ trợ cho bệnh nhân sẽ giảm tỷ lệ biến chứng cho bệnh nhân. Trong giai đoạn tới, nguyện vọng của tôi là có được đơn nguyên điều trị Thalasemie.
CLB Nhóm máu hiếm cũng là một những điều tôi đã ấp ủ rất lâu, nhất là khi gặp những bệnh nhân thiếu máu Rh(-). Nhân có sự cố một bệnh nhân máu Rh(-) phải chuyển vào bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã huy động mọi người đề xuất Hội CTĐ tỉnh thành lập CLB, hiện có 105 thành viên. CLB hoạt động thầm lặng nhưng rất hiệu quả; trong 3 năm đã truyền được 105 đơn vị máu Rh(-), ngoài ra còn hỗ trợ cho bệnh nhân cần máu nhóm B-Rh(-) và AB-Rh(-) tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai.
BS Võ Đình Lộc (ngoài cùng bên trái) tham dự Hội nghị triển khai Hành trình Đỏ 2023. Ảnh: CLB 25 Bình Định
* Theo anh, việc thành lập một trung tâm HMTN cố định có những ưu điểm gì?
- Tôi luôn mong muốn có được trung tâm HMTN ở Bình Định. Điểm hiến máu cố định này được trang bị các phương tiện tốt cùng đội ngũ lấy máu để người dân đến hiến máu khi họ muốn. Điều này rất quan trọng, tạo thuận lợi cho mọi người đăng ký hiến máu. Còn bây giờ, họ phải vào bệnh viện, không phải nơi để đến hiến máu; nếu không, phải đợi đợt hiến tập trung, có khi lúc đó họ lại bận việc.
Theo mô hình các trung tâm truyền máu quốc gia như ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), đó là một tòa nhà riêng, rộng rãi, có sức chứa tối thiểu 100 người đến hiến máu. Có điểm tiếp nhận, điểm nghỉ ngơi, điểm ăn uống, điểm thông tin, rồi xét nghiệm, sàng lọc, sản xuất máu đúng chuẩn của trung tâm truyền máu. Đây là mô hình trong mơ ước của chúng tôi!
* Xin cảm ơn anh!
NGỌC TÚ (Thực hiện)