Sốt rét kháng thuốc lan nhanh tại Đông Nam Á
Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hiện đang hiện diện dai dẳng tại các vùng biên giới ở 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm cản trở nỗ lực phòng chống sốt rét toàn cầu - giới chuyên gia cảnh báo vào ngày 30.7.
Người dân Thái Lan sống ở khu vực giáp biên giới Campuchia được lấy mẫu máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét. Ảnh: AFP
Mẫu máu của 1.241 bệnh nhân sốt rét tại 15 vùng khác nhau cho thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin, loại thuốc hàng đầu dùng để điều trị bệnh sốt rét hiện nay, đã lan rộng tới các khu vực biên giới ở miền Tây và miền Bắc Campuchia, miền Đông Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Các trường hợp sốt rét kháng thuốc cũng xuất hiện ở miền Trung Myanmar, miền Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở 3 nước châu Phi gồm Kenya, Nigeria và Cộng hoà Dân chủ Congo (DRC) - những nơi cũng được lấy mẫu điều tra.
Kết quả nghiên cứu điều tra trên đã được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng gấp đôi thời gian điều trị sốt rét từ 3 ngày lên 6 ngày có thể giúp chống lại tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được khá ngắn.
"Chúng ta vẫn còn có thể ngăn chặn sự lây lan của ký sinh trùng kháng artemisini ra khắp châu Á và sau đó là châu Phi bằng cách loại bỏ những ký sinh trùng này, tuy nhiên cửa sổ cơ hội đó đang đóng lại nhanh chóng" - giáo sư bệnh học nhiệt đới Nicholas White đến từ trường đại học Oxford (Anh) cho biết. "Các biện pháp kiểm soát sốt rét truyền thống là không đủ - chúng ta cần phải có hành động triệt để hơn và đặt điều này là ưu tiên bảo vệ sức khoẻ cộng đồng toàn cầu không chậm trễ".
Ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng thuốc artemisinin đang mất tác dụng điều trị bệnh sốt rét tại Đông Nam Á. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần thứ 3 trong vòng hơn nửa thế kỷ, một loại thuốc dùng để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét trở nên vô hiệu và dẫn đến hậu quả hàng triệu người chết vì bệnh sốt rét. Từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỷ trước, ký sinh trùng sốt rét đã kháng với thuốc chloroquine ở châu Á lẫn châu Phi.
Sau đó, thuốc chloroquine được thay bằng sulphadoxine-pyrimethamine (SP) nhưng ký sinh trùng sốt rét kháng SP lại xuất hiện ở miền Tây Campuchia rồi lan sang châu Phi.
SP sau đó được thay bằng artemisinin, một loại thuốc do các nhà khoa học Trung Quốc chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị sử dụng artemisinin kết hợp với các liệu pháp điều trị khác thay vì chỉ dùng riêng thuốc artemisinin để điều trị những ca sốt rét phức tạp do chủng ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây ra. Mục đích là tăng tối đa hiệu quả diệt trừ tất cả ký sinh trùng sốt rét.
Theo thống kê của WHO, năm 2012, sốt rét cướp đi sinh mạng của 627.000 người, chủ yếu là trẻ em sống tại châu Phi.
Tố Uyên (Theo AFP)