PCI 2022: Thuế và phí vẫn là thủ tục hành chính phiền hà nhất
* Bình Định đạt 66,65 điểm số PCI 2022, xếp hạng 21
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế gia tăng đến mức đáng quan ngại, từ 33,8% của năm 2021 lên 54,5% trong năm 2022.
Ngày 11.4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.
Báo cáo năm nay chỉ ra một số xu hướng cải thiện về chất lượng điều hành cấp tỉnh, song cũng phản ánh thủ tục hành chính tại những lĩnh vực “nhạy cảm” vẫn còn nhiều khó khăn.
Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế gia tăng đến mức đáng quan ngại, từ 33,8% của năm 2021 lên 54,5% trong năm 2022.
35% doanh nghiệp “than thở” về thủ tục thuế và phí
Báo cáo PCI 2022 thực hiện khảo sát hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có 10.000 doanh nghiệp tư nhân và 1.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh khảo sát PCI 2022 được tiến hành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm “đen tối” của đại dịch COVID-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế-địa chính trị toàn cầu lại ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính-ngân hàng, lạm phát tăng cao cùng với sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
"Trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định. Bởi vậy, ‘hy vọng’ là từ khóa trong chủ đề của lễ công bố PCI năm nay,” Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Theo ông Tấn Công, điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian, với điểm trung bình đạt 65,22 điểm (tăng năm thứ sáu liên tiếp).
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022
Báo cáo cho thấy nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng điều hành kinh tế tại các tỉnh, cụ thể điểm PCI năm 2022 đạt 65,67 điểm và cao hơn 0,37 điểm so với điểm PCI năm 2021 (65,37 điểm).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt còn diễn ra.
Trong đó, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Trong số các thủ tục hành chính thuế, số doanh nghiệp cho hay gặp vướng mắc tại khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất và lên tới 49%. Tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).
Báo cáo còn chỉ ra tình trạng phiền hà về thuế, phí không chỉ đến từ những khó khăn về tuân thủ mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Số giờ bình quân mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ và tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ).
Đáng chú ý, có đến 53,8% doanh nghiệp chia sẻ rằng “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh,” trong khi tỷ lệ này của năm 2021 là 47,6%.
Đáng quan ngại hơn, 54,5% doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế, tăng từ mức 33,8% của năm 2021.
Trên “bảo,” dưới chưa chắc đã “nghe”
Báo cáo PCI 2022 còn nhấn mạnh còn nhiều “không gian” phải cải thiện về chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành và cấp huyện, khi tình trạng trên “bảo" dưới không “nghe” có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể trong năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” và sang đến năm 2022, tăng lên 45,2% doanh nghiệp phải lên tiếng về điều này.
Ở cấp huyện, thị 50,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2022 cho biết “không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố.” Số liệu này cao hơn đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2021 (36%).
Mặt khác, tình trạng trả chi phí không chính thức mặc dù duy trì xu hướng giảm, song vẫn có tới 42,6% doanh nghiệp cho biết đang phải chi trả các “chi phí” này trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Một dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện khi báo cáo năm nay cho biết 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến,” trong khi tỷ lệ này trong năm 2021 là 57,4%.
Cùng với đó, vấn đề “nhức nhối” trong tiếp cận đất đai tiếp tục là điểm nghẽn lớn. Trên cơ sở đó, báo cáo kiến nghị các chính quyền cấp tỉnh cần những nỗ lực cải cách vấn đề này quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai duy trì ở mức phổ biến, với 42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,8%).
Ngoài ra, những vướng mắc “trầm kha” khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,3%) hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,2%).
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh qua gần hai thập kỷ, PCI đã trở thành phương tiện hữu hiệu truyền tải những thông điệp và kỳ vọng của khu vực doanh nghiệp đến với các cấp chính quyền. Với chính quyền cấp tỉnh, PCI là biểu tượng của sự cầu thị, lắng nghe và tinh thần hợp tác với khu vực doanh nghiệp.
Báo cáo năm nay, dù còn những điểm chưa được như kỳ vọng nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn thì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.
"Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế," ông Phạm Tấn công nói.
(Theo HẠNH NGUYỄN/TTXVN)