“Tiếp lửa” tình yêu di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật
Chiều 12.4, nhiều nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ rạng rỡ, tự hào dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân; vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; trao tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu tỉnh Bình Định lần thứ VI (giai đoạn 2016 - 2020) do UBND tỉnh tổ chức. Sự trân trọng của tỉnh đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ khiến ai cũng như được tiếp thêm động lực.
Dự lễ có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Lễ tôn vinh đã thật sự “tiếp lửa” cho các nghệ nhân dân gian, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.
Trao giải thưởng cho các tác giả đạt giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ VI. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu, sáng tác
Ở cấp độ địa phương, Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu tỉnh Bình Định được tổ chức định kỳ 5 năm/lần là một trong những giải thưởng uy tín trong cả nước về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Tham dự Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ VI (giai đoạn 2016 - 2020) có 84 tác giả, nhóm tác giả và 1 đơn vị gửi 99 tác phẩm, 18 cụm tác phẩm (284 tác phẩm), 6 cuộc triển lãm (304 tác phẩm), tham gia xét tặng ở 7 chuyên ngành: Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Sân khấu, Múa và Văn học. UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả, trao 75 giải thưởng, gồm: 18 giải A, 31 giải B và 26 giải khuyến khích.
Điểm đặc biệt của lần xét giải này là có nhiều tác giả gặt hái thành công ở ngay lần đầu tham dự. Điển hình là TS Võ Minh Hải - Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn) đạt giải B chuyên ngành Văn học với tác phẩm nghiên cứu lý luận phê bình văn học Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa. “Tác phẩm này là công trình được tôi nghiên cứu về văn học cổ trong thời gian từ năm 2003 - 2020. Lần đầu tiên tham gia một giải thưởng giàu uy tín và đạt giải, tôi thấy rất vinh dự vì công trình nghiên cứu của mình được ghi nhận, tôn vinh. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trên hành trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật”, TS Võ Minh Hải chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (thứ hai từ trái sang) trò chuyện, động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chuyên ngành Múa ở Bình Định còn khá mới mẻ, lần đầu tiên tại Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu lần thứ VI có sự góp mặt 4 kịch bản múa được dàn dựng và công diễn của 2 tác giả là biên đạo múa Kim Tiển và Châu Mi, và đều đạt giải B. Biên đạo múa Châu Mi tâm tình: “Lần đầu tiên tham gia Giải với cụm kịch bản múa Hương biển và Về miền di sản lại đạt giải ngay, tôi thấy rất vui. Với những nghệ sĩ múa hoạt động trong phong trào văn nghệ quần chúng như tôi, được ghi nhận là bước ngoặt để mình nỗ lực sáng tạo, cống hiến hơn nữa!”.
Để hỗ trợ, giúp các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Bình Định, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Sau đợt tôn vinh lần này, ngành văn hóa sẽ tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành một số chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu để họ có thêm động lực, yên tâm thực hành và trao truyền di sản văn hóa. Có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; phát triển các mô hình văn học, nghệ thuật hoạt động theo hình thức xã hội hóa… để khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực nghiên cứu, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (bìa phải) trao bằng phong tặng danh hiệu và hoa chúc mừng các NNND. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tôn vinh những “báu vật sống”
Tháng 9.2022, Chủ tịch nước đã ký các quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cho 628 nghệ nhân trên cả nước. Riêng tỉnh Bình Định có 22 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND (3 người), NNƯT (19 người) thuộc loại hình trình diễn nghệ thuật dân gian. Đây được ví như những “báu vật sống”, giữ vai trò quan trọng trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bình Định.
Ngày 17.10.2022, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-CTN về việc tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho 87 tác giả, đồng tác giả trên toàn quốc; trong đó, tỉnh Bình Định có nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với cụm tác phẩm kịch bản sân khấu Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật. Đây là tác giả thứ ba của tỉnh Bình Định đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hai tác giả đạt giải trước đó là thi sĩ Yến Lan và nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
Đến dự lễ tôn vinh, NNƯT Trần Thị Quý (nghệ danh Lệ Hoa), Phó trưởng Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng (TX An Nhơn), xúc động chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghệ thuật hát bội đến nay hơn 40 năm. Tiếp bước các tiền bối, tôi thực hành và truyền dạy nghệ thuật hát bội của Bình Định cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn di sản văn hóa của cha ông. Được vinh dự nhận danh hiệu NNƯT do Nhà nước trao tặng là sự động viên rất lớn để tôi gắn bó với nghề, tiếp tục truyền dạy để lớp trẻ kế thừa nghệ thuật hát bội Bình Định”.
Hơn 45 năm thực hành và truyền dạy võ cổ truyền Bình Định, lão võ sư Lê Văn Cảnh (Lê Xuân Cảnh) ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT năm 2015 và nay được phong tặng danh hiệu NNND. Hạnh phúc vì những đóng góp vào nền võ thuật của dân tộc được Nhà nước tôn vinh, NNND Lê Văn Cảnh bộc bạch: “Trọn cuộc đời tôi gắn bó với võ cổ truyền Bình Định. Nay vào tuổi gần đất xa trời, tôi lại được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND, đây là niềm hãnh diện lớn vì những tâm huyết về bảo tồn di sản võ cổ truyền Bình Định của mình được Nhà nước ghi nhận!”.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chia sẻ: Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, giao lưu văn hóa, sự phát triển bùng nổ của các phương thức truyền bá sản phẩm văn hóa đã, đang và sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa và đời sống văn học, nghệ thuật của đất nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng. Do đó, đòi hỏi đội ngũ nghệ nhân, văn nghệ sĩ tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, kế thừa và phát huy các giá trị, quan điểm xuyên suốt trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Đồng thời quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang bày tỏ tin tưởng, thời gian tới, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, tâm huyết và lòng say mê nghề nghiệp của mình, các nghệ nhân và văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và kiến thiết quê hương, là lực lượng đi đầu, xung kích trên mặt trận văn hóa, làm cho đời sống văn hóa và sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển; giữ gìn, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể đang nắm giữ cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN