Cục Di sản văn hóa: Khẩn trương xác minh sắc phong Việt Nam đang được bán đấu giá ở Trung Quốc
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền cho biết đã gửi công văn cho các địa phương liên quan. Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đề nghị các địa phương xác minh tính xác thực của sắc phong có thể có nguồn gốc Việt Nam, được rao bán đấu giá tại Trung Quốc.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền cho biết ngay sau khi nắm được thông tin về cuộc đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam, Cục Di sản văn hóa có công văn số 309/DSVH-DT ngày 12.4 gửi các sở quản lý văn hóa các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện được rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.
Cục Di sản văn hóa nêu: trên website của công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9h30 ngày 22.4.2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041).
Sắc phong niên hiệu Phúc Thái thứ 3 của đền Quốc tế ở Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trần Ngọc Đông.
Hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có những đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (có số thứ tự từ 2243 đến 2254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
“Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong đang được rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương”, lãnh đạo Cục nêu.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các địa phương thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL.
Các việc cần làm ngay này nhằm phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục Di sản văn hóa trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong. Địa phương cần xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Báo cáo gửi về Cục Di sản văn hóa trước ngày 17.4.2023.
(Theo Nguyên Khánh/TPO)