Hội thảo khoa học 70 năm Chiến thắng Thượng Lào
Ngày 13.4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Lào 1953-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo và các đồng chí Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Dự Hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử; các đồng chí tướng lĩnh, sĩ quan, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Thượng Lào 1953-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Về phía nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có các đồng chí: Sengphet Hungbunnhuong, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; Vongxay Inthakham, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh Bắc Lào.
Cách đây 70 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân, dân Việt Nam và Lào đã làm nên thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào. Quân đội nhân dân Việt Nam đã phối hợp lực lượng Pathét Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân đội Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào. Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là một biểu tượng của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại biểu Việt-Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 (từ trái sang gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khang, Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong và Hoàng Văn Thái). (Ảnh tư liệu)
Hội thảo đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo tỉnh Sơn La, các địa phương, quân khu, các binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…
Các tham luận đã luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của chiến thắng Thượng Lào 1953. Hội thảo cũng đã khẳng định những nhân tố làm nên thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đó là tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; là nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, thực hiện đúng phương châm “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; về huy động và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tham dự Hội thảo.
Hội thảo còn nêu bật tầm vóc, ý nghĩa, phân tích và làm rõ nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vun đắp, bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới. Đồng thời, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết Việt Nam-Lào cho toàn quân, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới...
Nhân chứng lịch sử tham dự Hội thảo khoa học “Chiến thắng Thượng Lào 1953-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với phương châm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ đại, truyền thống đoàn kết chân thành, hữu nghị, thủy chung của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào; củng cố, phát triển mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới.
Thông qua Hội thảo, đã góp phần giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Theo QUỐC TUẤN (NDO)