Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
(BĐ) - Chiều 13.4, tại Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa) và TP Hà Nội để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bình Định; đại diện các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 địa phương là hơn 129.478 tỷ đồng (gồm hơn 34.844 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, hơn 94.634 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương). Có 6 địa phương phân bổ đúng số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; 7 địa phương phân bổ vượt hơn 3.219 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, tổng số vốn đã giải ngân của 13 địa phương đến hết ngày 10.4 là hơn 13.803 tỷ đồng (hơn 3.136 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và hơn 10.667 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), đạt 10,66% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm; cao hơn số liệu giải ngân bình quân cả nước (10,35%).
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương đã chỉ ra các vướng mắc gặp phải trong giải ngân vốn đầu tư công như: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài; việc thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn thu từ tiền sử dụng đất; một số công việc có trình tự thủ tục nhiều bước, kéo dài; khó khăn về nguyên, vật liệu (khan hiếm nguyên, vật liệu; giá cả tăng cao; thủ tục cấp phép kéo dài do vật liệu đắp nền được coi là khoáng sản)… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan do chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án trong phạm vi của mình.
Riêng với Bình Định, trên cơ sở Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 10.12.2022 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND ngày 19.12.2022 về việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó tổng kế hoạch năm 2023 cần phải thực hiện là hơn 8.916 tỷ đồng (Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 7.423 triệu đồng). Đến ngày 29.3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là hơn 1.430 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,04% so với kế hoạch vốn đầu tư do tỉnh giao; đạt 19,26% so với kế hoạch vốn đầu tư do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số 13 tỉnh, thành phố, Bình Định thuộc nhóm 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước và dự kiến cả năm giải ngân trên 95% kế hoạch.
Nguồn: BTV
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công có những khó khăn chung liên quan đến công tác chuẩn bị dự án (giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu xây dựng…), do đó, chỉ có giải phóng mặt bằng đi cùng với tái định cư mới đảm bảo được tiến độ. Khi quy hoạch phát triển đô thị nông thôn, các địa phương cần tính toán trước đến khâu tái định cư, bố trí nhà ở xã hội, hạ tầng, thiết chế văn hóa…; những địa phương mà lãnh đạo có sự chủ động sẽ ít gặp khó khăn hơn.
Các dự án đầu tư đường cao tốc là dự án công trọng điểm cấp bách, chấp nhận bỏ qua một số khâu, nhưng các dự án khác vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng đủ điều kiện để triển khai các dự án. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc ghi nhận khó khăn, rà soát vướng mắc để đề xuất tháo gỡ kịp thời.
HOÀNG QUÂN