Phù Cát “chuẩn hóa” và nâng cao chất lượng cây ăn quả
Năm 2023, huyện Phù Cát tập trung “chuẩn hóa” quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng đối với 2 sản phẩm trái cây chủ lực là dừa xiêm và xoài. Theo đó, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng kết hợp xen canh để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, toàn huyện có 1.188 ha dừa xiêm và 208 ha xoài. Năm 2021, UBND tỉnh cho phép UBND huyện Phù Cát sử dụng địa danh “Phù Cát - Bình Định” trong đăng ký nhãn hiệu “Xoài Phù Cát”. Đến nay, có khoảng 40 ha xoài tập trung của Phù Cát đã được cấp chứng nhận VietGAP; dự kiến năm 2023 huyện tiếp tục chuyển đổi canh tác và tiến tới đề nghị cấp chứng nhận hợp chuẩn VietGAP thêm khoảng 50 ha. Đối với cây dừa xiêm, trong năm nay, địa phương hoàn thiện thủ tục để đề nghị cấp chứng nhận hữu cơ cho 50 ha.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ngành nông nghiệp huyện Phù Cát hướng dẫn quy trình sản xuất và chăm sóc xoài xen đậu phụng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết, địa phương xác định 2 cây ăn quả chủ lực là dừa xiêm và xoài để đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. Do vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương triển khai rà soát diện tích sản xuất của 2 cây trồng này, lập quy hoạch và định hướng để người dân đầu tư thâm canh, phát triển đồng bộ và theo quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng. Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2025, huyện đăng ký sản xuất thêm 110 ha xoài hợp chuẩn VietGAP tập trung ở các xã Cát Hanh, Cát Hiệp và Cát Lâm, riêng năm 2023 là 60 ha, đồng thời đề xuất hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho 25 ha. Với cây dừa xiêm, tăng diện tích khoảng 100 ha, trong đó năm 2023 là 50 ha và năm 2024 - 2025 là 50 ha. Toàn bộ diện tích trồng mới này điều chỉnh theo một quy trình để triển khai đồng bộ. Thuận lợi của Phù Cát là có thể xen canh cây trồng cạn dưới tán dừa, xoài, tạo thêm thu nhập cho người dân.
Tính riêng trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Phù Cát đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là diện tích trồng cây ăn quả kết hợp cấp mã số vùng trồng. Huyện đã xây dựng mô hình khuyến nông thâm canh dừa xiêm thời kỳ cho quả theo hướng hữu cơ với quy mô diện tích 1,2 ha ở xã Cát Hiệp; chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu để nhân rộng. Khi đã chuẩn hóa được quy trình và chất lượng sản phẩm, huyện tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm xoài, dừa của địa phương. Đẩy mạnh quảng bá nông sản chủ lực qua các kênh tiêu thụ, kết nối với Sở Công Thương để mở rộng thị trường.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho hay: Được huyện quan tâm hỗ trợ tích cực, đến nay xã đã có 40 ha xoài cát hợp chuẩn VietGAP với 33 hộ dân tham gia. Cùng với đó, địa phương hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện mô hình trồng dừa xiêm kết hợp đào ao nuôi cá, trồng dừa xiêm xen canh đậu phụng, mang lại thu nhập tốt cho bà con. Năm 2023, với sự hỗ trợ của địa phương, xã đăng ký tiếp tục chuyển đổi các mô hình cây trồng phù hợp, đặc biệt là ưu tiên cho dừa xiêm và xoài cát.
Theo ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2023 của UBND tỉnh, Chi cục phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, thực hiện chuẩn hóa đối với diện tích bưởi, xoài, dừa xiêm có tuổi cây từ 5 năm trở lên, có năng suất, sản lượng ổn định để xây dựng kế hoạch chứng nhận hữu cơ, VietGAP. Cụ thể, năm 2023 hướng dẫn canh tác và chứng nhận VietGAP cho 110 ha cây ăn quả (gồm 50 ha bưởi ở huyện Hoài Ân và 60 ha xoài ở huyện Phù Cát); chứng nhận hữu cơ 100 ha dừa xiêm (Hoài Ân 50 ha, Phù Cát 50 ha). Toàn bộ diện tích được chuẩn hóa này được cấp mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc (mã QR) và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP.
THU DỊU