Cần sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý đất đai
Ngày 14.4, tại TP Quy Nhơn, Viện KSND cấp cao tại Ðà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nhận diện vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của TAND tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Tham dự Hội nghị có Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nhận diện vi phạm
Theo báo cáo tại Hội nghị, những năm gần đây, chính quyền các địa phương trong khu vực đã thực hiện khá tốt các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai làm phát sinh tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan lĩnh vực quản lý đất đai (chiếm 80% số vụ khiếu nại hành chính).
Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2022, số lượng vụ án hành chính trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên được thụ lý, giải quyết hằng năm tăng hơn 10% so với thời gian trước đó. Trong đó, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Định là những địa phương có số vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai được Tòa án thụ lý, giải quyết chiếm tỷ lệ cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá các dạng vi phạm, thiếu sót trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai chủ yếu xuất phát từ công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký biến động đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu thực tế hầu hết hồ sơ địa chính qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh đều là bản giấy, chưa được số hóa, hư hỏng, chưa được chỉnh lý. Chưa kể một bộ phận cán bộ, công chức còn chủ quan, chưa kiểm tra, rà soát về tính thống nhất của việc quản lý hồ sơ, hiện trạng thực tế nên áp dụng pháp luật chưa chính xác. Từ đó dẫn đến những sai sót nhất định trong việc thẩm định hồ sơ, tham mưu ban hành các quyết định hành chính; phát sinh khiếu nại, khiếu kiện hành chính.
Đại diện tỉnh Đắk Lắk thừa nhận công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh này còn nhiều thiếu sót. Một phần nguyên nhân do tâm lý người khiếu nại muốn được bồi thường nhiều hơn nên tiếp tục khiếu kiện sau khi đã được giải quyết thỏa đáng. Hơn nữa, tâm lý người khiếu nại thường không tin tưởng vào nội dung giải quyết của cấp dưới và gửi đơn vượt cấp lên tỉnh, Trung ương; cá biệt có một số trường hợp bị các phần tử xấu lợi dụng, kích động, xúi giục làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai rất phức tạp và thay đổi qua các thời kỳ, bộc lộ nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ. Nhiều quy định chưa rõ ràng, thống nhất lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi áp dụng pháp luật trong ban hành quyết định hành chính trong quá trình quản lý đất đai.
Việc kết nối dữ liệu, đồng bộ công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa các cấp góp phần xử lý kịp thời và chính xác các thủ tục liên quan đất đai; hạn chế phát sinh khiếu nại. - Trong ảnh: Tiếp nhận thủ tục hành chính về đất đai tại bộ phận Một cửa UBND huyện Tuy Phước. Ảnh: K.A
Đảm bảo giải quyết khiếu nại khách quan
Nhận diện rõ nguyên nhân, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai; phối hợp với các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp về đất đai. Mời các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát tham dự các cuộc họp bàn về cưỡng chế giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần hạn chế việc khiếu kiện đông người, gây dư luận không tốt trong nội bộ nhân dân. Đồng thời, để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý đất đai, UBND các cấp thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra.
“Mới đây nhất, UBND tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng khoảng 1.700 cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ. Phải thật sự thay đổi căn bản nhận thức, ý thức, thái độ, trách nhiệm, thay đổi cách thức điều hành công việc tại UBND cấp xã, trong đó, cần xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân”, ông Tuấn nói thêm.
Để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, theo Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết và ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực quản lý đất đai. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách về lĩnh vực đất đai. Người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước cần xác định việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tăng cường đối thoại với công dân trong lĩnh vực quản lý đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thể hiện trách nhiệm trực tiếp, đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được khách quan, đúng quy định.
Đối với Viện KSND các cấp, cần thực hiện tốt chức năng, quyền hạn đã được Hiến pháp và pháp luật quy định khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Đặc biệt là thực hiện quyền kiến nghị phòng ngừa vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân để góp phần chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại địa phương.
KIỀU ANH