Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm hơn
Trong khi nhiều bạn trẻ ngày càng đắm chìm vào mạng xã hội, dẫn đến phát sinh những vấn đề đáng tiếc thì cũng có những bạn đã “thức tỉnh”, tự áp dụng các biện pháp khác nhau để hạn chế thời gian vô bổ trên mạng, ý thức trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội.
“Chia tay” mạng xã hội
Trước đây, mỗi ngày bạn Ca Thị Mỹ Nhung (SN 2004, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thường dành hơn 5 - 6 tiếng để vào mạng xã hội (MXH). Lướt Facebook, Tiktok, Nhung như bị “nghiện”, luôn dán mắt vào điện thoại di động mỗi khi rảnh rỗi.
Nhung cho hay, vì sử dụng MXH nhiều nên mỗi khi thức dậy, việc đầu tiên bạn làm là cầm điện thoại để lướt Facebook, xem các video trên Tiktok. Có hôm ba mẹ phải lên tận phòng gọi xuống ăn cơm thì bạn mới buông điện thoại.
Để “cai nghiện” và tự kéo mình ra khỏi thế giới ảo, Nhung đã tự xóa ứng dụng Tiktok trên điện thoại hơn 1 tháng nay; chỉ sử dụng ứng dụng nhắn tin trên những nền tảng khác để giữ các mối liên hệ với người thân, bạn bè hoặc dùng cho việc kinh doanh đồ ăn vặt.
“Trước đây, tôi rất lười đọc sách. Từ khi không sử dụng MXH nữa, tôi lại thích đọc sách hơn. Ngoài ra, với lượng thời gian rảnh vì không còn lướt điện thoại thường xuyên như trước, tôi càng có điều kiện tăng cường tập luyện TDTT, tương tác mới với bạn bè, người thân và làm được nhiều việc khác có ích hơn”, Nhung chia sẻ.
Giảng viên ngành Tâm lý học Nguyễn Thị Thùy Trang (giữa) trò chuyện với sinh viên về cách sử dụng MXH an toàn, hiệu quả. Ảnh: D.Đ
Tương tự, thời gian rảnh trước đây, bạn Lưu Thị Như Hiếu (SV năm 4, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn) thường đăng tải và chia sẻ những bài viết từ các nguồn khác nhau trên Facebook, hoặc tham gia “tích cực” vào những cuộc tranh cãi trên không gian mạng như một thói quen không thể thiếu.
Hiếu cho biết, khi nhận thấy mình đang lãng phí thời gian vào những việc vô bổ, bạn đã tự “cai” MXH bằng cách hạn chế thời gian sử dụng từ 4 tiếng xuống còn 1 tiếng/ngày; tắt hẳn các thông báo ứng dụng trên điện thoại để tập trung học tập. “Bây giờ, tôi dùng MXH chủ yếu để tìm kiếm những thông tin, kiến thức của ngành học do các chuyên gia chia sẻ trên không gian mạng để tự học hỏi và hình thành những kỹ năng cần thiết. Thời gian rảnh còn lại, tôi dành cho gia đình, tham gia các hoạt động tình nguyện, từng bước thoát khỏi thế giới ảo”, Hiếu nói.
Cần sử dụng hiệu quả hơn
MXH ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh nhiều tiện ích thiết thực, MXH cũng gây ra không ít hệ lụy. Ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc, mà nguy hiểm hơn là các nội dung thông tin, hình ảnh không lành mạnh đã tác động xấu đến nhận thức. Với người trẻ, để sử dụng MXH hiệu quả rất cần đến vai trò định hướng, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo thầy Hồ Xuân Ninh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Nhơn Mỹ (TX An Nhơn), trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, nhà trường thường lồng ghép, tích hợp các tiện ích của internet nói chung, MXH nói riêng để giáo dục ý thức cho học sinh hiểu, sử dụng MXH “thông thái” và phát huy hiệu quả. Đồng thời, chủ động trang bị cho các em kỹ năng truy cập, tìm kiếm thông tin, tài liệu liên quan đến học tập; tổ chức các buổi tuyên truyền, tìm hiểu các tình huống thực tiễn vi phạm pháp luật về an ninh mạng…
Anh Đinh Chí Công, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Tỉnh đoàn) cho hay, với nhịp sống hiện nay, thay vì cấm đoán các em sử dụng MXH, các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người trẻ sử dụng MXH đúng cách, an toàn, hiệu quả như: Biết cách lựa chọn các trang thông tin chính thống, đáng tin cậy; biết làm chủ, điều tiết và kiểm soát được các hành vi của bản thân trên không gian mạng… Từ đó, giúp cho các em tự tăng sức đề kháng và có cách phòng tránh trước những thông tin tiêu cực, xấu, độc trên MXH.
Giảng viên ngành Tâm lý học Nguyễn Thị Thùy Trang (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn) cho rằng, khi sử dụng MXH, công nghệ số, người trẻ cần có vốn hiểu biết, kiến thức để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực. Khi cần tìm kiếm thông tin, các bạn phải chọn lọc, kiểm chứng tính xác thực của các nguồn tin trước khi sử dụng; phải biết tự quản lý thời gian sử dụng; ứng xử đúng mực trên không gian mạng; tránh lệ thuộc vào MXH mà quên các hoạt động giao tiếp trong thế giới thực.
DUY ÐĂNG