Ký kết hợp tác giai đoạn 2023-2025 giữa TP.HCM và 6 tỉnh Nam Trung Bộ
Trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ thống nhất phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư-thương mại, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Ngày 15.4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2023-2025. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Dịp này, hội nghị sẽ tiến hành ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn mới giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023-2025, được cụ thể hóa thành công trình, chương trình, đề án, hành động cụ thể để đến cuối năm 2025 sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá sẽ có những kết quả hợp tác cụ thể, nhìn được, định lượng được, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả vùng; có các sản phẩm mang dấu ấn kết quả của sự hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với từng địa phương.
Hội nghị đánh giá Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo; được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong 10 năm qua, đóng góp của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vào kinh tế cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có sự đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép...
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng phát triển, vị thế kinh tế của vùng ngày càng cải thiện. Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Phát biểu của đại diện các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đều cho rằng thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt vai trò kết nối cung-cầu hàng hóa giữa địa phương này và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa-du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội.
Các địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, mục tiêu phát triển của các địa phương đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đánh giá bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận đúng thực tế là tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; một số nội dung hợp tác chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.
Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và ký kết Chương trình hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn là điều hết sức cần thiết.
Hội nghị cho rằng, chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong thời gian tới cần triển khai cụ thể, hiệu quả các chủ trương của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương của vùng.
Đồng thời, phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, các bên cùng có lợi; nội dung hợp tác cụ thể, khả thi, dựa trên nhu cầu thực tế và năng lực thực hiện của các bên; các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch từng nội dung hợp tác cụ thể, có kế hoạch tổ chức sơ kết hằng năm tại đơn vị.
Trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng, bao gồm phát triển du lịch, kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn ký kết một số nội dung hợp tác song phương với từng tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ./.
(Theo Tiên Minh/TTXVN/Vietnam+)