Như những đóa hướng dương
Dù không có mái ấm trọn vẹn như các bạn đồng trang lứa, chịu nhiều thiệt thòi về mặt thể chất, nhiều nữ sinh vẫn lạc quan, mạnh mẽ vươn lên, như những đóa hướng dương hướng về phía ánh sáng. Với các em, cố gắng học tập là cách duy nhất để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lạc quan, hiểu chuyện
Với sự lạc quan và tinh thần tích cực, các nữ sinh dần làm quen với khó khăn và xem đó là thử thách để tôi luyện bản thân. Gia đình khó khăn, bố bỏ đi 3 năm nay, lại không may bị khuyết tật bẩm sinh khiến 2 chân teo dần theo năm tháng, Lê Nguyễn Thảo Nguyên (SN 2005, ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) không thể đi đứng, chạy nhảy như người khác. Mọi sinh hoạt hằng ngày, em phải nhờ dì và mẹ giúp đỡ.
Bà nội động viên Na chăm chỉ học hành để có tương lai tốt đẹp hơn. Ảnh: D.L
Hiểu hoàn cảnh nhà mình, Nguyên chững chạc từ sớm. Ban đầu, em tủi thân, tự ti, mặc cảm vì không có cơ thể lành lặn. Càng lớn, Nguyên dần học cách làm quen với khiếm khuyết cơ thể, kiên trì học tập, đến trường hằng ngày như chúng bạn. Nguyên chia sẻ, mình không chọn được cơ thể khi sinh ra nhưng chọn được cách sống sao cho có ích.
Nguyên tâm sự: “Em không thể chơi đùa thoải mái với bạn bè nên dành nhiều thời gian đọc sách, học bài, bầu bạn với dì và mẹ. Họ chịu nhiều vất vả để nuôi lớn và đồng hành với em. Dù điều kiện còn thiếu thốn nhưng em vẫn thấy hạnh phúc vì được yêu thương”.
Tương tự Thảo Nguyên, em Lê Na (SN 2009, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) cũng không có gia đình trọn vẹn. Mẹ bỏ đi đã lâu, em sống với ba và anh trai. Ba đối mặt với bệnh suy thận mãn 15 năm nay, đang ở giai đoạn cuối nên sức khỏe yếu, phần lớn thời gian nằm trên giường.
Hoàn cảnh đặc biệt nên khác với những cô bé đang ở tuổi ăn, tuổi lớn được bố mẹ chiều chuộng, bao bọc; hằng ngày Na phải dậy từ hơn 4 giờ. Một ngày của em bắt đầu bằng việc chuẩn bị cá, thịt, nấu đồ ăn sáng cho ba. Đi học về, em lại lo dọn dẹp nhà cửa, chu toàn việc bếp núc.
“Chế độ ăn của ba đặc biệt. Chẳng hạn, phải kiêng một số loại rau, những món nhiều dầu mỡ, gia vị; ưu tiên canh và những món thanh đạm. Em phải ghi nhớ hết để chăm sóc tốt hơn, nhất là từ khi ba bị chứng hậu Covid-19”, Na chia sẻ.
Hiểu ba phải chiến đấu với căn bệnh dai dẳng nên cơ thể thường khó chịu, đôi khi ít cởi mở nỗi niềm với con cái nên Na chủ động bắt chuyện. Với em, người cần được lắng nghe, tâm sự nhất chính là ba. Xong xuôi việc nhà, sau 21 giờ Na mới có thời gian chuẩn bị sách vở, tập trung học hành.
Mỗi tháng, bà nội của Na (sống ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) sắp xếp vài ngày vào chăm con, gánh vác bớt việc nhà cho cháu. Có bà nội ở cạnh, Na vui hơn, bởi em có thêm người bảo ban, chăm sóc.
Không ngừng nỗ lực vì ước mơ
Cả Thảo Nguyên lẫn Lê Na đều nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập tốt. Với các em, đây là cách duy nhất để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dành nhiều thời gian chăm lo cho người thân, nhưng Lê Na lại có thành tích học tập đáng khen ngợi, 8 năm liền là học sinh giỏi. Đầu tháng 4.2023, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, em đoạt giải nhì môn Sinh học. Để có được kết quả đó, em nỗ lực học ngày, học đêm vì ước mơ theo đuổi ngành y. Có những lúc áp lực học tập, thi cử và nhiều nỗi niềm của tuổi mới lớn khiến cô bé chới với. Thế nhưng, nghĩ mình phải cứng cáp để trở thành chỗ dựa cho người thân, Na lại càng mạnh mẽ, sống tích cực hơn.
“Chứng kiến người thân chiến đấu với bệnh tật, khao khát hiểu về các loại thuốc lớn dần trong em. Mục tiêu đó tiếp thêm sức mạnh cho em cố gắng từng ngày”, Na chia sẻ.
Cũng mang hy vọng trở thành người sống có ích, san sẻ khó khăn với gia đình, Thảo Nguyên dù sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm nhưng chưa khi nào bỏ học giữa chừng. Hình ảnh cô gái nhỏ nhờ người thân đưa đến trường, chăm chú nghe giảng đã quen thuộc với thầy cô, bạn bè tại Trường THPT Hòa Bình. Ngồi trên chiếc xe lăn, từng bài học, vở ghi đều được Nguyên tỉ mỉ ghi chép. Nhờ sự chăm chỉ, 11 năm học em đều được xếp loại học sinh khá, giỏi. Đang ở năm cuối cấp, Nguyên đang tập trung cao độ để đạt thành tích tốt nhất.
“Học tập là con đường tốt nhất giúp em tự lập sau này. Kiếm tiền bằng chính khả năng của mình là ước mơ của em. Có như vậy, em mới không trở thành gánh nặng của gia đình, làm được nhiều việc có ích cho xã hội”, Nguyên trải lòng.
DƯƠNG LINH