Ðọc sách để làm giàu tri thức, làm đẹp tâm hồn
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21.4), Báo Bình Ðịnh tổ chức gặp gỡ với một số người đọc ở nhiều độ tuổi, ngành nghề để nghe họ chia sẻ niềm say mê cùng những trăn trở của mình với việc đọc ở nhiều góc nhìn khác nhau. Nét chung ở đây là ai cũng muốn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) trường học đầu tiên có thư viện số, thư viện xanh ngoài trời giúp níu giữ học sinh với thư viện của trường mình. Ảnh: BẢO MINH
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN AN PHA:
Đọc sách là một nét văn hóa cao đẹp
Mỗi cuốn sách tốt là một kho kiến thức được tác giả tích lũy trên nhiều lĩnh vực, sau nhiều năm tháng chắt lọc mới viết ra để người đọc có thể tiếp cận mà không mất nhiều thời gian như họ. Nhiều cuốn sách là kết tinh của cả một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có cuốn là kết quả của cả một đời người. Do vậy, dù xã hội có phát triển đến đâu, thì tôi vẫn tin rằng việc đọc sách rất quan trọng. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta nâng cao kiến thức, nhận thức mà còn là một nét văn hóa cao đẹp. Văn hóa đọc, thói quen lưu giữ sách tại các thư viện tỉnh, thư viện cơ sở, các tủ sách gia đình… và nay là dưới nhiều hình thức, định dạng kỹ thuật số, việc động viên, chỉ bảo nhau cùng đọc… tất cả hợp thành hệ sinh thái tri thức, thành một nét văn hóa cao đẹp.
TS VÕ MINH HẢI - Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (trường ĐH Quy Nhơn):
Xây dựng ý thức về văn hóa đọc
Trường ĐH Quy Nhơn chú trọng nâng cao hoạt động của thư viện trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động, như giới thiệu về sách, thi thuyết trình sách, chương trình giáo dục về sách… tại các CLB, các khoa nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong giảng viên, sinh viên toàn trường; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định tầm quan trọng của sách trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập hướng tới kiến tạo thương hiệu đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, là người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, theo tôi làm thế nào để xây dựng ý thức về văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là người trẻ hiện nay là vấn đề quan trọng, cần sự đầu tư căn bản và dài hơi của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội để xây dựng nên một xã hội học tập mà ở đó mọi người đều được học, phải học và tự giác học tập thường xuyên, học suốt đời.
Chị LÊ THỊ THANH TRANG, thủ thư trường tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước):
Chúng tôi tìm mọi cách nhen lên thói quen đọc và níu giữ các em với thư viện
Với độ tuổi nhỏ như học sinh tiểu học thì sách về loài vật, hoạt hình, ít chữ, nhiều hình ảnh, màu sắc đẹp đẽ đáng yêu sẽ hấp dẫn các em hơn. Do vậy, chúng tôi tìm kiếm sách để bổ sung sách mới định kỳ cho các em đọc. Phòng đọc của thư viện trường tôi không chỉ có sách mà còn có đồ chơi, trò chơi như rút gỗ, cờ vua, vẽ tranh… tất cả chúng tôi - chứ không phải riêng lãnh đạo trường, cán bộ thư viện - cùng làm tất cả những gì cần thiết để các em thích đến thư viện, tiếp cận với sách. Cùng với đó, chúng tôi còn giới thiệu sách hay tại các buổi chào cờ đầu tuần để tăng niềm hứng thú cho các em.
Thư viện Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn cũng là thư viện đầu tiên của huyện có thư viện số, thư viện xanh ngoài trời. Các em rất thích trải nghiệm thư viện của trường mình. Để khơi gợi niềm vui khi đọc sách, ở một ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm, chúng tôi tổ chức cuộc thi đọc sách, những phần thưởng nhỏ sẽ giúp các em hào hứng hơn.
Em LÊ HÀ KHÁNH CHI, học sinh lớp 8A4 trường THCS Quang Trung, TP Quy Nhơn, giải nhất hạng mục chia sẻ cảm nhận về cuốn sách hay nhất trong cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2022:
Đọc sách giúp em tưởng tượng, tư duy và có cách hành xử tốt hơn
Em đọc sách từ nhỏ, em đọc sách vào thời gian rảnh hoặc khi cần tìm hiểu vấn đề nào đó em sẽ tìm trong sách. Nhiều khi nhờ đọc sách mà em có thể thay đổi một vài thói quen xấu của mình. Em thích đọc sách hơn là đùa nghịch, giải trí bằng các thiết bị điện tử. Khi đọc sách em thấy không gian tưởng tượng của mình được mở rộng, còn trên thiết bị điện tử thì mọi thứ có sẵn nên mình sẽ lười tưởng tượng, mọi thứ dần sẽ nhàm đi.
Để nhen nhóm hứng thú đọc sách và đọc sách hiệu quả thì em nghĩ cũng tùy theo mỗi người nhưng ai cũng vậy, chỉ cần vượt qua giai đoạn ban đầu, thì sẽ nhanh tìm thấy hứng thú, khi đó sẽ phát sinh nhu cầu tìm sách để được đọc. Em thích loạt sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế nói về một người có thành tích học tập rất yếu nhưng tìm ra bí quyết học tập phù hợp nên trở thành người học giỏi nhất trường. Cuốn này truyền động lực cho em rất nhiều. Em cũng thích bộ sách Hạt giống tâm hồn, đó là câu chuyện đời sống giản dị nhưng giúp mình sống tốt hơn.
ANH LÊ DUY LÂN, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Trung Hội (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát):
Không chỉ mở mang kiến thức, việc đọc còn nuôi dưỡng nhân cách
Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách, giờ là một doanh nhân công việc bận rộn những tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách. Tôi thích đọc nhiều thể loại khác nhau, nhưng thích đọc nhất là sách về lịch sử thế giới, khoa học viễn tưởng. Đối với tôi, đọc sách có nhiều tác dụng, mục đích khác nhau để mình mở rộng kiến thức, tìm cảm hứng, cảm xúc làm việc hoặc có khi chỉ đọc để giải trí. Đôi khi tôi đọc một quyển sách hay như tôi đang được học với một người thầy giỏi hoặc nhìn thế giới qua lăng kính của một người khác. Đọc sách không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức mà còn nuôi dưỡng nhân cách để qua đó hoàn thiện bản thân mình hơn. Là một người trẻ đọc sách, tôi mong muốn nhiều bạn trẻ khác cũng sẽ hình thành được thói quen này vì tôi nghĩ một cuốn sách hay có thể thay đổi cuộc đời của một con người.
TS TRẦN VĂN VINH, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản:
Tôi luôn tìm cách kết nối tri thức từ sách với thực tế cuộc sống
Với tôi đọc sách là thói quen hằng ngày giống như tập thể dục cho mắt, kích thích tăng trí nhớ. Ngoài những cuốn sách chuyên ngành phục vụ công việc của mình, mỗi ngày tôi đọc một cuốn sách khác nhau để thêm nhiều kiến thức bổ ích, bổ sung cho quá trình nghiên cứu khoa học. Từ một cuốn sách tôi đọc sẽ có thêm nhiều dẫn chứng để tìm đến kho tài liệu liên quan trong quá trình nghiên cứu. Dù công nghệ có hiện đại, nhưng với tôi việc duy trì thói quen đọc sách giấy thay vì sách điện tử sẽ giúp mình tập trung tốt hơn, dung nạp thêm nhiều kiến thức để kết nối tri thức từ sách với thực tế cuộc sống, giúp tôi có nhiều giải pháp khoa học, ứng dụng tốt cho đời sống.
Tôi cũng dạy con có thói quen đọc sách, hạn chế việc xem ti vi, điện thoại để rèn luyện tư duy bằng việc đọc. Tôi cũng thường xuyên mua sách cho con đọc để tiếp cận văn hóa, giúp ích cho việc phát triển bản thân.
BẢO MINH - ĐỖ THẢO (Thực hiện)