Sự tử tế
● Tản văn của LÊ THỊ XUYÊN
Sáng hôm ấy tôi đã dừng xe vì chợt nhận ra đó là học trò của mình, em nhỏ thó nhưng lanh lợi, đang dựng chiếc xe đạp và đỡ bà cụ bán hàng rong đứng dậy giữa đường, dìu bà vào sát lề đường sau khi bị ngã do đường trơn. Thấy em làm chủ mọi việc nên tôi yên tâm lẳng lặng quan sát.
Bà cụ có vẻ rất đau, nhưng ánh mắt bà lại ánh lên nụ cười thân thiện nhìn cậu bé đã giúp mình bằng sự trân trọng, biết ơn. Đợi bà lên xe nặng nề đạp từng vòng xe đi tiếp, em cũng lên xe đạp và khuất dần ở cuối ngã tư, lòng tôi bỗng thấy nhẹ thênh, vui mênh mông. Tôi nhớ mình hay truyền đến các em lời dặn dò mà tôi nhận được từ thầy dạy cũ nay đã quá cố - “Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào trước hết hãy cố gắng là người tử tế”. Thật vậy, không chỉ khi chính mình làm điều gì đó tử tế, chỉ cần chứng kiến hành vi tử tế, tôi đã cho đó là duyên may, nó khiến tâm hồn tôi tin vào sự lương thiện, thấy cuộc đời thêm đẹp, con người nhân hậu hơn.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Tôi có thói quen là lập một bảng những việc làm tử tế gắn trên tường nhà một cách trịnh trọng. Mỗi ngày trôi qua, từng thành viên trong gia đình sau khi làm được một việc tử tế sẽ ghi vào bảng đó. Đôi khi, tôi còn liệt kê những việc tử tế cần làm và đề nghị các con thử làm theo. Cứ thế, chiều nào đi làm về, con gái cũng tí toét chạy đến bên, sà vào lòng tôi vui sướng khoe. Khi thì “con cho bạn mượn cuốn truyện con thích nhất”. Khi thì “con đã mỉm cười với bác bảo vệ trường”. Rồi “con đã ủng hộ 2.000 đồng mua tăm tre giúp các bạn khuyết tật”, “con đã chia cho bạn nửa cái bánh mì của con”…
Ngắm nhìn và xoa đầu con, tôi cảm thấy lòng ngập tràn niềm vui. Thiết nghĩ, đôi khi một nụ cười, một cái gật đầu, một lời nói hay lời thầm cầu mong chân thành với người khác,… cũng là sự tử tế đáng trọng. Cuộc sống đẹp hơn từ những điều bình thường như thế. Có lẽ cũng chính vì thế mà thỉnh thoảng tôi lại ngân nga một mình bài thơ Phố của ta của Lưu Quang Vũ trên cái nền giai điệu của nhạc sĩ Trần Tiến khi phổ thành ca khúc Chim sẻ tóc xù… Phố nghèo của ta/ Những giọt nước sa/ Trên cành thánh thót/ Lũ trẻ lên gác thượng/ Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng/ Em chờ anh trước cổng/ Con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù/ Con chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhá/ Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế? Con chim sẻ tóc xù ơi/ Bác thợ mộc nói sai rồi…
Có thể nói, tử tế chính là điểm xuất phát của những hành động yêu thương và sẽ thăng hoa thành lẽ sống. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp nếu mỗi người tự biết nuôi dưỡng tâm hồn mình những giá trị sống tốt đẹp. Đó là sự tử tế. Xã hội đang xoay vần với muôn nỗi thực trạng đáng lo ngại: Từ thực phẩm bẩn, trái cây ngâm hóa chất đến xăng giả, báo lá cải đăng những tin giật gân... và nhiều chuyện kinh thiên động địa khác. Nhiều người thiếu tử tế vẫn đang ngang nhiên sống, ngang nhiên làm những điều có lợi cho chính họ mà bất chấp tình người, bất chấp luật pháp. Tuy nhiên, tôi vẫn tin cái tốt vẫn nhiều hơn, vẫn còn nhiều người tử tế. Mà có lẽ nếu chịu khó đọc báo, nghe đài, xem ti vi ta sẽ thấy và sẽ thấy thêm tin yêu cuộc sống.
Có câu “Tử tế là ngôn ngữ mà người mù có thể thấy và người điếc có thể nghe”. Tôi là người xứ Nghệ, nói theo kiểu của người xưa tôi là dân ngụ cư nhưng từ lâu lắm rồi, tôi thích nói bằng giọng Nghệ rằng tôi là dân Bình Định - chính hiệu như mọi cư dân xứ Nẫu chôn nhau cắt rốn ở mảnh đất này. Trong sâu xa, tôi luôn thầm biết ơn đất và người xứ này đã cho tôi bắt rễ, dựng xây hạnh phúc ở đây, và ở xứ sở này sự tử tế dường như đậm đặc và thể hiện rõ ràng ở nụ cười thân thiện dễ bắt gặp trên phố, ở làng xa và thậm chí trên những rẻo cao Canh Liên, An Toàn mà tôi có dịp đặt chân đến.