Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Bình Ðịnh, người dân đã thể hiện trách nhiệm cao, tích cực chung tay với chính quyền trong xã hội hóa xây dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích, tổ chức lễ hội.
TX Hoài Nhơn - địa phương dẫn đầu trong bảo tồn di sản văn hóa ở tỉnh ta - hiện có 22 di tích được xếp hạng; 17/17 xã, phường thành lập được CLB bài chòi dân gian. Theo ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, ngoài nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đầu tư tôn tạo các di tích, thị xã còn huy động vốn xã hội hóa để tu bổ, xây dựng một số di tích lịch sử, văn hóa, điển hình là Đền thờ Đào Duy Từ, Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương (phường Hoài Thanh Tây); Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào Khu 5 (xã Hoài Mỹ)…
Miếu Bà ở xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhiều tộc họ ở Hoài Nhơn, điển hình là gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây tự nguyện hiến tặng hơn 1.800 m2 đất và công trình kiến trúc tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa do gia tộc xây dựng. Ông Trần Đức Nghị, trưởng gia tộc, hậu duệ đời thứ 12 của gia tộc Trần Đức, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào về nguồn cội lịch sử, văn hóa của quê hương; đặc biệt là cụ thủy tổ Cống quận công Trần Đức Hòa. Việc làm của con cháu gia tộc Trần Đức hôm nay cũng là mong muốn góp sức với TX Hoài Nhơn để tôn vinh tiền nhân, phát huy hơn nữa giá trị di tích lịch sử, văn hóa; gìn giữ để thế hệ mai sau tường tận về tổ tiên mình”.
Huyện Hoài Ân hiện có 15 di tích đã được xếp hạng. Hằng năm, UBND huyện phân bổ kinh phí sửa chữa nhỏ, tôn tạo các di tích; hợp đồng thuê người bảo vệ, trông coi, chăm sóc cảnh quan tại mỗi di tích. Nhiều di tích ở Hoài Ân, như Văn chỉ Hoài Ân, Chiến thắng Núi Chéo… khi được xây dựng đã được nhân dân đồng thuận hưởng ứng đóng góp thêm kinh phí.
Ông Lê Trọng Hy, ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), chia sẻ: Năm 2012, Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng trên nền di tích xưa, thông tin này khiến người dân Hoài Ân kể cả những người ở xa quê xúc động, tích cực hưởng ứng bằng cách góp của, góp công để công trình mau chóng hoàn thành. Giờ đây Văn chỉ Hoài Ân trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các hoạt động tôn vinh tinh thần hiếu học, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; là điểm đến văn hóa, lịch sử thu hút nhiều người đến tham quan.
Tại TX An Nhơn, một số di tích cũng được tôn tạo, tu bổ có sự chung tay của cộng đồng, như Đền thờ Võ Duy Dương ở xã Nhơn Tân được tộc họ Võ ở địa phương góp của, góp công xây dựng và quản lý di tích; năm 2001 khi Miếu Bà ở xã Nhơn Phong được xây dựng mới, một chủ DN đề nghị không nêu tên đã đóng góp hơn 600 triệu đồng… Những công trình như thế đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của người dân địa phương…
Ông Nguyễn Văn Dư, ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn), Phó Ban Quản lý Miếu Bà, tâm tình: Không chỉ đóng góp sức của xây dựng Miếu Bà, người dân ở đây còn có ý thức trông nom, gìn giữ di tích này. Tại Miếu Bà, hằng năm bà con góp kinh phí, chung tay cùng tổ chức Lễ hội Vía Bà để tưởng nhớ công ơn, đức độ của bà Đỗ Thị Tân và cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội tổ chức theo các nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cũng là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Có thể thấy hình thức xã hội hóa ở một số địa phương đã đóng góp tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Về lâu dài, ngành văn hóa cũng như các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, từ đó đồng thuận hưởng ứng, tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN