HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ÐỌC VIỆT NAM (21.4):
Lan tỏa tình yêu sách, văn hóa đọc trong cộng đồng
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 với thông điệp “Sách: Nhận thức - Ðổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn” được tổ chức tại tỉnh Bình Ðịnh từ ngày 15.4 - 1.5, nhằm tôn vinh vai trò, tầm quan trọng của sách đối với đời sống con người. Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trần Xuân Nhất đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh về các giải pháp nhằm lan tỏa tình yêu sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ông TRẦN XUÂN NHẤT. Ảnh: NGỌC NHUẬN
*Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với đời sống xã hội hiện nay, thưa ông?
- Ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg về Ngày Sách Việt Nam, đây là nền tảng để các đơn vị phát hành, công ty phát hành sách, nhất là hệ thống thư viện xem như là ngày lễ lớn của ngành liên quan đến sách, báo và văn hóa đọc. Sau khi Luật Thư viện ra đời và có hiệu lực năm 2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam để nâng tầm ý nghĩa.
Nhiều năm gần đây, tác động của công nghệ thông tin và mặt trái của internet, các thiết bị điện tử đã ảnh hưởng đến vấn đề đọc của thế hệ trẻ hiện nay, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay khuấy động phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành một hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách đối với đời sống con người.
* Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023, Thư viện tỉnh tổ chức những hoạt động gì?
- Tại tỉnh ta, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở TT&TT, Sở VH&TT, Sở GD&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là cho học sinh, sinh viên.
Là đơn vị trực thuộc Sở VH&TT thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại tỉnh Bình Định, ngay từ đầu năm, Thư viện tỉnh đã có kế hoạch sớm triển khai các hoạt động để “đưa sách đi tìm người đọc”, như: Đưa sách về phục vụ tại vùng sâu, vùng xa; luân chuyển sách cho thư viện các đồn biên phòng, trại giam, tủ sách nông dân trên địa bàn toàn tỉnh; luân chuyển sách về thư viện trường học các trường THCS, THPT… để khuấy động phong trào đọc trong cộng đồng.
Thư viện tỉnh cũng đã đưa xe thư viện lưu động phục vụ 1 tuần tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện An Lão; phối hợp Thư viện huyện An Lão tổ chức trưng bày, xếp sách nghệ thuật với hơn 1.000 bản sách, đưa xe thư viện lưu động với hơn 3.000 bản sách đến Trường THCS An Hòa (xã An Hòa, huyện An Lão) để phục vụ nhu cầu đọc sách, nghiên cứu, tham khảo của giáo viên và học sinh; tổ chức chương trình “Đố vui để học” có tặng phần thưởng là sách để tạo không khí vui tươi cho học sinh Trường THCS An Hòa hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 vào ngày 14.4 vừa qua.
Học sinh Trường THCS An Hòa (huyện An Lão) tham quan các gian hàng trưng bày sách, xếp sách nghệ thuật do Thư viện tỉnh trưng bày tại trường. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Thư viện tỉnh sẽ làm gì để lan tỏa tình yêu sách, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2019 - 2022, Thư viện tỉnh đã đưa xe thư viện lưu động phục vụ 15 điểm trường toàn tỉnh; giai đoạn 2022 - 2025, chúng tôi sẽ đưa xe thư viện lưu động đến 17 điểm trường vùng sâu, vùng xa tiếp tục phục vụ bạn đọc… Hiện tại, Thư viện tỉnh đang triển khai phần mềm quản lý hệ thống thư viện dành cho cấp huyện, cấp cơ sở và thư viện trường học. Chúng tôi đã triển khai để khoảng 70% thư viện công cộng, thư viện trường học sử dụng phần mềm này, giúp các thủ thư quản lý tài liệu tốt hơn, khoa học hơn, có nhiều thời gian phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn.
Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ được Thư viện tỉnh thực hiện xuyên suốt, chứ không chỉ làm phong trào, nhằm phát triển văn hoá đọc đi vào chiều sâu. Do vậy, chúng tôi có những kế hoạch về xây dựng và phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện cuộc thi đại sứ văn hóa đọc; số hóa các tài liệu đưa lên website của Thư viện để phục vụ bạn đọc nghiên cứu, tham khảo… Tháng 6 tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 20 tủ sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền tảng phát triển phong trào đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi mà các em học sinh, bà con còn rất hứng thú với việc đọc sách vì chưa bị tác động nhiều về công nghệ thông tin.
* Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)