SAGI và Đài thiên văn Quy Nhơn tổ chức đoàn quan sát nhật thực tại Đông Timor
(BĐ) - Ngày 20.4, sẽ diễn ra sự kiện nhật thực với đường đi của pha toàn phần đi qua Đông Timor.
Nhận thức đây là sự kiện tuyệt vời để thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đối với khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng, nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn (SAGI) của Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành, thuộc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn) phối hợp với Đài Thiên văn Quy Nhơn (Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới Sáng tạo thuộc Sở KH&CN) tổ chức đoàn công tác đến Cộng hòa Dân chủ Đông Timor để tường thuật và ghi hình diễn biến của nhật thực.
Bản đồ đường đi của nhật thực ngày 20.4.2023 trên Trái Đất. Credit: NASA.
Sáng 18.4, đoàn công tác với 3 thành viên, gồm: PGS.TS Nguyễn Lương Quang, American University of Paris; TS Phan Thanh Hiền, khoa Vũ trụ và Ứng dụng, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; ThS Nguyễn Văn Tuệ, chuyên viên tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới Sáng tạo đã lên đường sang Đông Timor.
Nhật thực sẽ diễn ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng che khuất một phần hoặc hoàn toàn đĩa Mặt Trời. Cư dân trên Trái Đất ở khu vực có bóng nhật thực đi qua sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn học kỳ thú này. Tùy vào vị trí trên Trái Đất mà có thể quan sát thấy nhật thực ở các mức độ khác nhau. Những nơi nằm trên đường đi của pha toàn phần sẽ được trải nghiệm hiện tượng bầu trời tối giữa ban ngày do Mặt Trời hoàn toàn bị che khuất. Lúc này vành nhật hoa bao quanh Mặt Trời có thể được nhìn thấy.
Nhật thực vào ngày 20.4 là một nhật thực lai (hybrid solar eclipse). Đó là sự kết hợp của hai loại: Nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Nhật thực lai cực kỳ hiếm với chỉ 3,1% số lần nhật thực trong thế kỷ XXI. Pha toàn phần của nhật thực lần này sẽ được nhìn thấy ở bán đảo North West Cape Cape và Đảo Barrow ở Tây Australia, khu vực phía đông của Đông Timor, Đảo Damar và một phần của tỉnh Papua ở Indonesia.
“Thông qua hoạt động này, ngoài trao đổi học thuật và kinh nghiệm trong quan sát thiên văn với các nhà khoa học và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, đoàn công tác còn hy vọng góp phần khích lệ học sinh và sinh viên Việt Nam trong việc tìm hiểu và nghiên cứu khoa học nói chung, và lĩnh vực thiên văn học nói riêng” Ths Tuệ chia sẻ.
Được biết, cuối tháng 7.2022, nhóm vật lý thiên văn (SAGI) được thành lập bởi 3 thành viên đầu tiên là các nhà khoa học người Việt, gồm: TS Nguyễn Trọng Hiền, nhà Vật lý người Mỹ gốc Việt, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). PGS.TS Hoàng Chí Thiêm, hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI), đồng thời là phó giáo sư tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. PGS.TS Nguyễn Lương Quang, chuyên gia nghiên cứu về quá trình vật lý và hóa học giai đoạn đầu của quá trình hình thành sao; thành viên của các chương trình khoa học trọng điểm của Đài quan sát không gian Herschel và ALMA.
AN NHIÊN