Indonesia đề xuất ra Tuyên bố ASEAN về an ninh lương thực
Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia cho rằng để nhanh chóng ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực, các nước ASEAN cần thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn.
Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Indonesia đã đề xuất đưa ra Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực nhằm tăng cường hợp tác chiến lược trong việc xây dựng cơ chế tăng cường an ninh lương thực, chuỗi cung ứng khu vực và nông nghiệp bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị ASEAN về Tăng cường hội nhập an ninh lương thực diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 17.4, Tổng Thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia Kasdi Subagyono cho biết những thách thức toàn cầu hiện nay thúc đẩy ASEAN hành động khẩn trương, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đẩy nhanh và củng cố hệ thống lương thực sao cho hiệu quả, toàn diện, tự cường và bền vững hơn.
Indonesia cho rằng để nhanh chóng ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực, các nước ASEAN cần có cam kết mạnh mẽ hơn.
Theo ông Kasdi, tuyên bố này có thể sẽ góp phần thống nhất vai trò của các ngành liên quan bao gồm lương thực thực phẩm, kinh tế, giao thông vận tải và tài chính.
Điều đó sẽ tạo ra sự hợp tác chắc chắn và sức mạnh tổng hợp nhằm ứng phó với các thách thức chung. Dự kiến, bản tuyên bố sẽ đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9 tới.
Hội nghị trực tuyến ASEAN về Tăng cường hội nhập an ninh lương thực có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ diễn đàn nông nghiệp, thương mại, giao thông vận tải và tài chính không chỉ đến từ các nước thành viên ASEAN mà còn có các đối tác đối thoại của ASEAN, các tổ chức quốc tế và các viện nghiên cứu.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 44, được tổ chức trực tuyến vào ngày 25.10.2022, đã nhất trí nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phục hồi để đảm bảo nguồn cung lương thực đầy đủ và liên tục.
Hội nghị kêu gọi các nước ASEAN, các đối tác và các bên liên quan khác hợp tác với Ban Thư ký ASEAN để xác định và thực hiện các hành động ưu tiên trong Khuôn khổ an ninh lương thực tích hợp ASEAN (AIFS) và Kế hoạch Hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của các cơ quan ASEAN trong việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn, cũng như xây dựng các hướng dẫn nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho thương mại sản phẩm nông nghiệp trong khu vực.
Hội nghị ghi nhận nỗ lực của Ban Thư ký ASEAN trong việc hỗ trợ AMAF nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong các lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp, thông qua việc phát triển các chính sách khu vực như Hướng dẫn nông nghiệp bền vững ASEAN, Tài liệu tham khảo về sử dụng hóa chất nông nghiệp, Nghiên cứu về các giải pháp dựa vào thiên nhiên.
Theo Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)