Rừng phòng hộ ven biển đang “chui” vào lò hầm than
Tình trạng nhiều người vào rừng phòng hộ ven biển (RPHVB) thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn chặt gỗ dương (phi lao) đem về hầm than diễn ra khá phổ biến đã lâu, nhưng đến nay, chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Theo thống kê của ngành chức năng, RPHVB thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn có diện tích hơn 1.200 ha, trồng thuần cây dương liễu (phi lao). RPHVB khu vực này nằm ven Quốc lộ 19B, tỉnh lộ 639 ở sát khu dân cư, lại có vô số lối ra vào rừng ngang dọc nên rừng rất dễ bị xâm hại. Đặc biệt vùng rừng bị phá nặng nhất là nơi dự kiến sẽ triển khai Dự án Phong điện (DAPĐ) Phương Mai 1 và Phương Mai 3, thuộc địa bàn 2 xã Cát Chánh (Phù Cát) và Phước Hoà (Tuy Phước).
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực dọc Quốc lộ 19B (trước đây là tuyến đường trục Cát Tiến - Nhơn Hội) có khá nhiều người đi xe đạp mang theo cưa, rựa vào RPHVB thuộc thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh) và thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) để chặt gỗ dương về hầm than. Đi sâu vào rừng - những cánh rừng cách tỉnh lộ 639 và Quốc lộ 19B khoảng 300m- 500m, chúng tôi nhận thấy nhiều cây dương có đường kính khoảng 15cm- 20cm bị đốn hạ. Rừng trước đây khá dày giờ thì thưa thớt hẳn. Còn vào sâu các khu dân cư ven hai bên đường, chúng tôi phát hiện nhiều lò hầm than âm ỉ bốc khói, kèm theo đó là mùi khen khét đặc trưng của than hầm bốc ra từ đó.
Ông Đỗ Văn Thành, một người dân ở xã Phước Hòa, tiết lộ: “Hiện nay, lực lượng vào rừng phòng hộ chặt cây phi lao về hầm than hùng hậu lắm; bọn tui mà có ý kiến gì thì họ sẵn sang mang cây gậy tới nhà đòi đánh. Cứ sáng sớm, trưa và chiều tối, những người này lại vào rừng chặt cây rồi tìm cách đưa về nhà cho vào lò hầm than”.
Lý giải cho tình trạng RPHVB bị chặt phá để hầm than, một thành viên thuộc tổ giữ rừng DAPĐ Phương Mai 1, cho rằng: Hiện nay, số lượng người chặt phá rừng khá đông, các đối tượng này lại khá manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng giữ rừng; trong khi đó, lực lượng giữ rừng không có công cụ hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, truy quét. Ngoài ra, hiện nay, than có giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg nên nhiều người tìm mọi cách vào khu vực RPHVB chặt gỗ dương mang về hầm than. Để qua mắt cơ quan chức năng, các đối tượng không triệt hạ trắng một vùng, mà chặt tỉa từng cây; thành ra, thoạt nhìn, rừng còn xanh, nhưng thực tế vào sâu bên trong thì rừng bị chặt phá khá nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa), thừa nhận: “Rừng quá nhiều lối đi lại, người giữ rừng quá ít nên không thể kiểm soát. Cách đây gần 1 tháng, chúng tôi đã bắt tại trận các đối tượng Trịnh Thị Thùy, Nguyễn Thị Cúc, Võ Thị Hiền, Dương Thị Phú đều ở thôn Huỳnh Giản Bắc đang chặt phá rừng. Sau đó, chuyển cấp trên xử lý nhưng việc xử lý không đến nơi đến chốn nên họ không ngán, tiếp tục phá rừng”.
Có thể thấy, nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để thì rồi RPHVB sẽ chui hết vào các lò hầm than.
DƯƠNG MINH