Tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương nhất quán
Tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định là quyền cơ bản của mọi người “không ban ơn - xin cho”, các tôn giáo và những người có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Cuối năm 2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”. Điều này gây nên những phản ứng của dư luận xã hội về sự thiếu khách quan trong nhìn nhận, đánh giá thực chất vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về “Danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin”, theo đó cáo buộc Việt Nam chưa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, đặc biệt tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân.
Trước những cáo buộc phi lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam đã có những phản hồi chính thức về vấn đề này. Cụ thể, ngày 15.12.2022, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Để có cái nhìn toàn diện về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, BDO xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam cũng như đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trên thực tiễn.
Nghi thức đón năm mới của đồng bào Khmer theo đạo Phật ở Trà Vinh.
Chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định ngay khi nước nhà độc lập
Ngay từ ngày đầu lập nước, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Thể chế quan điểm đó, ngày 14.6.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL - văn bản pháp quy đầu tiên, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.
Sắc lệnh ghi rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý, v.v.... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. Ảnh tư liệu
Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đảng, Nhà nước ta được thể hiện trên nguyên tắc Hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013, thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo. Đảng ta khẳng định: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng với dân tộc”, “đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân ngay trong thực tiễn, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản Chị thị, nghị quyết như: Nghị quyết số 25/NQ/TW, ngày 12.3.2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi rõ “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tạo hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Trong 20 gần đây, Nhà nước đã ban hành trên 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các điều Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong đó, đáng chú ý là Hiến pháp năm 2013, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo… Trong 3 năm, từ 2018-2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức gần 150 hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/NĐ-CP cho cán bộ trong hệ thống chính trị, cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành…
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng khẳng định “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận…”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh hung với các chức sắc và đại diện các tổ chức tôn giáo tháng 8.2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Những chủ trương và chính sách, pháp luật nêu trên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi như: điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo… và quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trong việc giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức tôn giáo và đặc biệt luật quy định rõ về thời hạn giải quyết, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế và loại bỏ sự nhũng nhiễu, trậm chễ, tắc trách của công chức, trong việc thực thi công vụ và đã được quy định cụ thể trong pháp luật, tạo hành lang pháp lý, ổn định, thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ngày càng tốt hơn.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Qua thống kê cho thấy, năm 2003 cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự...
Hàng năm ở Việt Nam có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn gáo, với hàng vạn tín đồ tham gia và trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thành kinh thần học; tỉnh Đắk lăk giao hơn 11.000m+2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng trị giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La vang…
Chỉ tính năm 2022 chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm, theo đúng quy định của pháp luật; chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển… đó là bằng chứng sinh động trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định là quyền cơ bản của mọi người “không ban ơn - xin cho”, các tôn giáo và những người có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, nhà nước không thiên vị một tôn giáo nào về mặt pháp luật, điều đó thể hiện tính nghiêm túc trong việc chấp pháp.
Đảng, Nhà nước ta chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.
Đại Lễ Phật đản tại thành phố Huế.
Sự đóng góp của các tôn giáo với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Thực hiện các chủ trương của Đảng và sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước, hoạt động của các tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong đời sống xã hội, vận động đồng bào có đạo chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các tôn giáo đều xây dựng đường hướng hành đạo, gắn bó với dân tộc như: “ Hộ quốc An dân” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của Tin lành; hoặc “ Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài, v.v.. Những đường hướng này vừa phù hợp với giáo lý, với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua, bằng các hoạt động giao lưu với các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới như trao đổi đoàn ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo, tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực; đăng cai, phối hợp tổ chức các Hội nghị, diễn đàn tôn giáo trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, ASEAN, quốc tế... đã góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Tại các diễn đàn song phương, đa phương, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.
Bên cạnh việc vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam xây dựng phát triển đất nước, nhiều hoạt động tôn giáo đã góp phần giới thiệu đất nước, hình ảnh con người Việt Nam như: Giáo hội Tin lành đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành; giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới với đại biểu của hơn 80 Quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Hội đồng giám mục Châu Á; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc, với 570 đoàn quốc tế, 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ... những hoạt động nêu trên đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn thế giới, khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy tụ kiều bào có tín ngưỡng, tôn giáo trong nước và ngoài nước đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh phản bác thế lực, luận điệu xấu tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, Việt Nam vẫn là một nước còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó phải kể đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong tôn giáo còn hạn chế; sự gia tăng hoạt động truyền bá tôn giáo nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ làm xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới, trái thuần phong mỹ tục, trái luật pháp của Việt Nam; hoạt động tôn giáo trên không gian mạng đang là vấn đề mới phát sinh, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước về tôn giáo; một số đối tượng thiếu thiện chí trong và ngoài nước nhận định thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc về tình hình, chính sách tôn giáo của Việt Nam…
Tháng 3 năm nay, lần đầu tiên Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” với mục đích giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Cuốn sách chứa những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper
Ngày 14.4 vừa qua, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper nhằm tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tại buổi tiếp, phía Việt Nam khẳng định luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả những người bị tước quyền công dân, người nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam coi tôn giáo là nguồn lực để phát triển đất nước tại nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa...
Phía Việt Nam cũng bày tỏ đáng tiếc, tháng 12.2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào "Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo" dựa trên thông tin không chính xác về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Một vài vụ việc xảy ra ở địa phương liên quan tôn giáo là đơn lẻ do nhận thức chủ quan, thiếu kinh nghiệm của cán bộ cơ sở, không phải là chủ trương hoặc phổ biến. Chính quyền đã có thái độ và xử lý theo quy định.
Có thể khẳng định, việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương đó không chỉ nằm trên các văn bản luật và dưới luật mà là hiện thực sinh động trong đời sống, trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của gần 27 triệu đồng bào có đạo, trải dài khắp 3 miền đất nước.
TS Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Theo VOV