Quảng Ninh dẫn đầu về cải cách hành chính năm 2022
* Chỉ số PAR INDEX năm 2022 của Bình Định đạt 85.03%, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố
* Chỉ số SIPAS năm 2022 của Bình Định đạt 81.78 %.
Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan nhà nước năm 2022.
Sáng 19.4, Bộ Nội vụ công bố chỉ số cải cách hành chính 2022 (PAR INDEX) của các bộ và địa phương.
Với nhóm các bộ, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau đó là Bộ Tư pháp, Tài chính, Nội vụ. Cuối bảng là Bộ Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo.
Với các tỉnh thành, đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Năm 2022, Quảng Ninh đã chiếm vị trí đầu bảng của Hải Phòng năm 2021. Đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đoạt ngôi quán quân. Hải Phòng lần thứ 10 liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu.
Quảng Ninh đứng đầu trong 63 tỉnh, thành phố về kết quả cả 2 chỉ số.
Hà Nội vượt từ vị trí thứ 10 năm 2021 lên thứ ba. TP HCM đứng thứ 36, tăng 7 bậc so với năm trước.
Xếp dưới cùng là Phú Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Phú Yên từng có hai lần đứng cuối và luôn trong nhóm 5 tỉnh có chỉ số thấp nhất.
Các chỉ số để xếp hạng PAR INDEX gồm: Cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo điều hành cải cách thủ tục hành chính; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công; cải cách chế độ công vụ; tác động cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Thang điểm đánh giá 100.
Về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS), Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu, tiếp theo là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Nhóm dưới cùng là Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam.
Bộ Nội vụ đã khảo sát hơn 36.000 người dân ở 63 tỉnh, thành. Chính sách khám chữa bệnh được người dân quan tâm nhất, tiếp đến là điện sinh hoạt, an sinh xã hội, nước sinh hoạt, giáo dục phổ thông, giao thông đường bộ.
86% người được hỏi cho biết không gặp tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 12% nói một số ít công chức sách nhiễu; 1,3% nói gặp nhiều công chức sách nhiễu.
88% người dân nói không phải chi tiền ngoài quy định cho công chức; 10% nói một số người phải trả tiền ngoài; 1,7% nói nhiều người phải trả tiền ngoài.
Chỉ số SIPAS được xây dựng dựa trên bốn chỉ số là trách nhiệm giải trình của chính quyền; cơ hội của người dân tham gia ý kiến với chính sách; chất lượng chính sách; kết quả tác động của chính sách.
Trước đó báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 cho thấy Quảng Ninh đạt 7,65 điểm trên thang 10 về thủ tục hành chính công, hơn tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ hai 0,5 điểm.
(Theo VIẾT TUÂN/VnE)