Tăng năng suất đậu phụng nhờ vận dụng KHKT
Bình Thuận hiện được xem là “thủ phủ” đậu phụng của huyện Tây Sơn. Ở vụ Đông Xuân năm nay, qua thu hoạch trà đầu, năng suất ước đạt 43,9 tạ/ha, tăng 4,4 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước, người trồng đậu lãi khoảng 60 triệu đồng/ha. Đậu phụng được mùa lại được giá nên có thể nói Bình Thuận có một vụ đậu đại thắng. Một điểm đặc biệt, khi nói về nguyên nhân trúng mùa, nhiều người trồng đều nhấn mạnh đến yếu tố KHKT.
Ông Trần Văn Thanh, thôn Hòa Mỹ với niềm vui trúng mùa đậu phụng. Ảnh: Đ.NGỌC
Ông Trần Văn Thanh, thôn Hòa Mỹ cho biết: Tôi đã trồng đậu phụng hơn 10 năm nay, trước đây chủ yếu làm theo thói quen, chi phí rất cao, cây đậu hay bị mắc bệnh héo xanh, chết yểu, không kịp trở tay. Gần đây, nhờ tham gia một số lớp tập huấn ứng dụng KHKT do xã tổ chức, tôi biết cách chọn giống, cân đối lượng phân, bón phân theo mức độ phát triển của cây đậu, đặc biệt là cách sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân chuồng, vôi bột để bón lót trước khi xuống giống. Nhờ chế phẩm này mà ruộng đậu của tôi gần như không bị nấm bệnh, giảm hẳn việc dùng thuốc bảo vệ thực vật. Với cách làm mới, 1 sào đất tôi tiết kiệm khoảng 500 nghìn đồng chi phí phân bón, nước tưới và công lao động. Mấy vụ đầu, tôi làm đậu trên diện tích 25 - 30 sào đất nhà có sẵn. Khi đã thành thạo cách vận dụng kiến thức KHKT mới, tôi thuê thêm 40 sào nữa để trồng đậu phụng. Kết quả, đất vườn đạt năng suất 270 - 280 kg/sào, còn đất gò đồi cũng lên tới 220 kg/sào. Giá đậu năm nay lại cao nên gia đình tôi rất phấn khởi.
Không chỉ có vậy, chị Lục Thị Bích Trâm, thôn Thuận Hạnh kể: Ứng dụng KHKT vào sản xuất có rất nhiều cái lợi. Trước đây để tưới 3 sào đậu tôi phải mất cả buổi mà chưa chắc đã đều, thiếu nước thì cây khô, dư nước thì bị nấm gốc, thối trái. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi lắp đặt hệ thống péc phun, cách kiểm tra mức độ cần nước của cây đậu phụng và kỹ thuật tưới đủ, tưới hiệu quả; nhờ đó vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm nước.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, Bình Thuận sản xuất 818 ha đậu phụng, tăng 27 ha so với năm 2022. Đầu vụ và giữa vụ, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 12 lớp tập huấn KHKT canh tác cây đậu phụng (kỹ thuật tưới tiết kiệm, quản lý sâu bệnh hại theo nguyên tắc IPM, sử dụng chế phẩm Trichoderma…) cho hơn 600 nông hộ ở địa phương. “Những lớp đầu tiên, xã phải vận động nhưng sau khi những hộ đầu tiên vận dụng thành công, đến các lớp sau bà con siêng năng đi học lắm!”, ông Dũng phấn khởi nói.
ĐINH NGỌC