Ðể xuất khẩu lao động thêm khởi sắc
Trong năm 2022, toàn tỉnh có 704 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 100,6% so với kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để công tác xuất khẩu lao động thêm khởi sắc, phát triển đồng đều hơn giữa các địa phương, tương xứng với tiềm năng.
Còn nhiều khó khăn
Từ phía người lao động (NLĐ), khó khăn đầu tiên là về chi phí. Gia đình của NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo thường gặp khó khăn trong việc đóng khoản phí ban đầu sau khi vượt qua vòng phỏng vấn. Do đó, họ e ngại cho con em mình tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) vì sợ không đủ khả năng chi trả.
Không chỉ băn khoăn về các chi phí ban đầu, nhiều gia đình còn lo lắng người thân làm việc tại nước ngoài vất vả nhưng không có thu nhập ổn định, khó chi trả khoản vay ngân hàng. Tâm lý này phổ biến với những trường hợp NLĐ ở nông thôn, điều kiện sống còn hạn chế; đồng thời phần nào lý giải thực trạng lao động ở vùng sâu vùng xa ít tham gia XKLĐ.
Các DN tư vấn việc làm tại nước ngoài cho ĐVTN, NLĐ tại phiên giao dịch việc làm lưu động diễn ra ngày 13.4 tại thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ). Ảnh: D.L
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực (về ngoại ngữ, tay nghề và thể chất) của Bình Định còn thấp so với các địa phương khác trong nước, rộng hơn là các nước trong khu vực. Điều này bắt nguồn từ khâu đào tạo chưa thật sự được đầu tư đúng mức. Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, cho hay: “Cơ sở vật chất hạn chế ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đào tạo, thể hiện rõ nhất qua chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách hỗ trợ NLĐ trong quá trình học tập, rèn kỹ năng, tay nghề còn chưa sát với thực tế và mong muốn của NLĐ”.
Ngoài ra, khâu thông tin, phổ biến chính sách, pháp luật về XKLĐ, biến động thị trường lao động chưa sâu rộng và thường xuyên, dẫn đến việc NLĐ tự tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội, website của DN thay vì tìm đến các trung tâm chuyên nghiệp để được tư vấn như trước. Từ đó, xuất hiện tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo; thông tin, tư vấn về tiền lương, thu nhập thiếu trung thực nhằm chiếm đoạt tiền của NLĐ…
Đồng bộ các giải pháp
Để khắc phục những vướng mắc trên, tại Hội nghị về công tác việc làm, đào tạo nghề và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023 vừa được Sở LĐ-TB&XH tổ chức, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN và đơn vị liên quan đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Trước hết, để tăng số lượng tham gia XKLĐ, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan đến XKLĐ. Đồng thời, nâng cao chất lượng định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT và học sinh, sinh viên bậc trung cấp, cao đẳng, đại học để các đối tượng này có nhiều thời gian tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng hơn, mở ra hướng đi mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trên nhiều phương diện là yêu cầu được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm và DN nhấn mạnh. Cụ thể, cần tiếp tục duy trì công tác sơ tuyển, phỏng vấn tại các trung tâm để giảm thiểu chi phí cho NLĐ. Đẩy mạnh việc phối hợp với DN XKLĐ hỗ trợ tốt nhất về điều kiện ăn ở, đơn hàng tuyển dụng, quản lý lao động sau khi trúng tuyển. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ hồ sơ nhận tiền chính sách sau xuất cảnh nhằm tránh thất thoát nguồn lao động sau khi phối hợp tư vấn tuyển dụng. Cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ các đơn vị không có giấy phép XKLĐ hoặc có giấy phép nhưng không đủ điều kiện, nhằm tránh tình trạng tuyển dụng NLĐ và đưa vào các công ty khác làm tăng chi phí, dễ phát sinh lừa đảo…
“Cần mở rộng các đơn vị ngoài tỉnh về địa phương để tuyển dụng lao động có nguyện vọng đi XKLĐ ở nhiều ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực. Đồng thời, các đơn vị tuyển dụng cần có kế hoạch rút ngắn thời gian đào tạo, học ngoại ngữ để NLĐ có việc làm sớm nhất”, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Lê Văn Lịch đề xuất.
Song song với đó, việc triển khai các biện pháp đào tạo, phỏng vấn mới để đáp ứng nhu cầu từ phía DN tiếp nhận cũng là giải pháp quan trọng. “Thời gian tới, các đơn vị sẽ cùng phối hợp, hoàn thiện quy trình “3-ON” (khai hồ sơ online, phỏng vấn online, đào tạo online) để triển khai các đơn hàng tuyển dụng, giúp giảm các chi phí đi lại cho NLĐ; góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đưa 700 lao động của tỉnh XKLĐ trong năm 2023”, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết.
DƯƠNG LINH