Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
(BĐ) - Chiều 20.4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ở nước ta, trong năm 2022, thiên tai xảy ra ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần); trong đó, có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.
Thiên tai trong năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển đã khiến 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT-TKCN năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2023 có khả năng xuất hiện từ 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; trong đó, có 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tình hình mưa lũ, ngập lụt sẽ tập trung trong các tháng 7 - 9; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác PCTT-TKCN, góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cần tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy làm công tác PCTT-TKCN; chuẩn bị nguồn lực, nhân lực sẵn sàng ứng phó không để bị động, bất ngờ trước diễn biến thiên tai; chú trọng triển khai công tác ứng phó đối với những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, vùng xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Cùng với đó, các địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chủ động ứng phó sang công tác phòng ngừa; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai; nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy PCTT-TKCN; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng PCTT-TKCN…
NGỌC NHUẬN