Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số: Phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 19.4 đã tập trung bàn về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác này trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bình Định nỗ lực thực hiện
Tại Hội nghị nêu trên, đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết: Về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), đã cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện Cổng có 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022)… Thành quả này có được từ đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định.
Thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách TTHC theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn người dân, DN trong công tác thực hiện TTHC. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh quản lý, đã kết nối với 10 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương để chia sẻ thông tin phục vụ công tác giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến.
Người dân đến làm thủ tục nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đầu tháng 3.2023. Ảnh: H.THU
Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai việc số hóa kết quả, thành phần hồ sơ TTHC đảm bảo theo quy định của Chính phủ. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giai đoạn 2022 - 2027”.
Thực hiện Đề án, Tỉnh đoàn đã phối hợp triển khai cho ĐVTN trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cách thức mở tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến... “Qua theo dõi, đánh giá, số lượng hồ sơ trực tuyến từ sau khi thực hiện Đề án tăng nhiều so với giai đoạn trước đó. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh trong năm 2022 đạt khoảng 53,5%, đáp ứng chỉ tiêu theo yêu cầu của Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính và Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (quy định tỷ lệ 50%)”, ông An nói.
Văn phòng UBND tỉnh tham mưu tăng cường hoạt động “kiểm tra từ xa” thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn... Qua đó, góp phần vào kết quả tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước và đúng hạn của tỉnh năm 2022 đạt 99,7%, tăng 0,8% so với năm 2021.
Còn nhiều việc phải làm
Qua xác định Chỉ số cải cách hành chính tỉnh năm 2022, cho thấy một số hạn chế, trong đó có liên quan đến cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, DN. Theo Sở Nội vụ, kết quả Chỉ số Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh có giá trị trung bình đạt 94,8%, thấp hơn năm 2021 (đạt 96,4%). Một số cơ quan có tỷ lệ trao đổi và xử lý văn bản dưới dạng điện tử chưa đạt yêu cầu, nhiều cơ quan có tỷ lệ hồ sơ công việc được tạo lập ở mức thấp…
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2023. Ảnh: H.THU
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, một số đơn vị cấp xã thực hiện công khai TTHC chưa đảm bảo; cập nhật hồ sơ TTHC vào hệ thống một cửa điện tử tại các địa phương chưa đầy đủ theo quy định. Nhiều địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí và lệ phí còn thấp so với yêu cầu...
Sở Nội vụ đã kiến nghị đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.
Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử; thực hiện hiệu quả việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính quyền điện tử. Quan tâm đầu tư, nâng cấp các chức năng, tiện ích mới của Cổng dịch vụ công, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN trong quá trình tiếp cận thông tin, giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh năm 2023 đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện. Trong đó, có tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích dịch vụ công trực tuyến để người dân hiểu rõ và thực hiện; hạn chế việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đối với các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính…
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha, năm 2022, Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ này, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở TT&TT và Tỉnh đoàn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tập huấn thành viên của Tổ, đồng thời xây dựng chương trình công tác cụ thể để truyền thông và đưa các công cụ công nghệ số, trong đó có dịch vụ công trực tuyến thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống hằng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh.
HOÀI THU