Ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát khai thác khoáng sản
Tỉnh Bình Ðịnh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến giai đoạn 2021 - 2025 là 3 - 4%; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng tới số hóa thông tin trong quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản.
Để sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT siết chặt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đôn đốc các DN được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện việc lắp đặt các camera giám sát kết nối với ngành TN&MT để quản lý quá trình hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29.11.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Hệ thống trạm cân lắp đặt tại Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa (thuộc Công ty CP Phú Tài). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Nguyễn Hồng Huy, Giám đốc Công ty CP Nội thất và Vật liệu xây dựng Kiểu Việt (TP Quy Nhơn), ngoài khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật, Công ty đầu tư hơn 60 triệu đồng lắp đặt 3 camera giám sát tại điểm mỏ khai thác cát lòng sông tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) được UBND tỉnh cấp phép khai thác với diện tích hơn 2 ha, trữ lượng khai thác 55.000 m3/2 năm. Việc lắp đặt camera giám sát truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo luật định còn giúp Công ty quản lý được tài sản, tình hình khai thác và an ninh trật tự... tại khu vực khai thác, vận chuyển khoáng sản.
Công ty CP Phú Tài (TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn và mới được cấp phép bổ sung nâng trữ lượng khai thác lên 276,5 nghìn m3/năm. Công ty CP Phú Tài cũng là một trong những DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiên phong đầu tư hơn 550 triệu đồng lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại khu vực khai thác khoáng sản.
Ông Trương Thanh Lâm, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa (thuộc Công ty CP Phú Tài), chia sẻ: Thông qua dữ liệu của hệ thống trạm cân và camera giám sát tại điểm mỏ khai thác khoáng sản, Công ty có bộ phận quản lý điều hành và truyền dữ liệu cập nhật về Sở TN&MT để theo dõi. Hệ thống trạm cân và camera còn giúp Công ty quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm soát được tải trọng tránh thất thoát tài nguyên.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tỉnh Bình Định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; quy hoạch tài nguyên khoáng sản; cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, quy hoạch phê duyệt; khuyến khích DN ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản... Hiện tại, Sở TN&MT phối hợp Sở KH&CN đang xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu của tỉnh, từng bước hướng tới số hóa dữ liệu về tài nguyên khoáng sản tỉnh Bình Định.
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT), cho biết: Dự kiến trong năm nay, cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản của tỉnh Bình Định sẽ được Sở KH&CN bàn giao cho Sở TN&MT, cũng như các sở, ngành liên quan, các địa phương được chia sẻ các dữ liệu để theo dõi, cập nhật, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, như: Thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; thông tin khu vực cấm hoạt động khoáng sản; dữ liệu về cấp phép khai thác khoáng sản; các khu vực đã đóng cửa mỏ; thu thuế khai thác khoáng sản… Sở TN&MT cũng sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kết nối dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản với Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định để công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản thông qua một nền tảng công nghệ chung.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN