Phù Cát: Vốn CSXH hỗ trợ chuyển đổi cây trồng
Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, những năm gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Phù Cát đã chuyển đổi cây trồng, mở rộng quy mô, diện tích canh tác, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất thành công.
Được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện theo chương trình cho vay hộ nghèo, ông Đặng Văn Thảo, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp đầu tư đào giếng khai thác nước ngầm, lắp đặt hệ thống tưới nước phun tia, tưới béc… chuyển toàn bộ 13 sào đất vườn, đất trồng mì, bạch đàn kém hiệu quả sang trồng đậu phụng. Ngoài ra, được hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật kiến thức canh tác, ông Thảo trồng xen canh dừa xiêm, xoài cát Hòa Lộc tại ruộng đậu phụng. Nhờ làm đúng kỹ thuật, đến nay các loại cây trồng đều phát triển tốt, năng suất và thu nhập ổn định.
Nông dân Cát Hiệp áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch đậu phụng. Ảnh: T. GIANG
Ông Thảo kể: Ban đầu tôi cũng như nhiều người vẫn nghĩ, trồng đậu phụng thì có gì mà phải học. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhờ học hỏi và áp dụng kỹ thuật canh tác mới nên giảm được chi phí đầu tư, năng suất, phẩm cấp đậu lại cao hơn, bán được giá hơn nên tôi hay nói vui là “lợi đơn lợi kép”, mỗi sào đậu phụng tôi lãi từ 4 - 5 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế dần ổn định và gia đình tôi đã thoát nghèo.
Vụ Đông Xuân năm nay, xã Cát Hiệp đã mở rộng diện tích đậu phụng lên 825 ha, là vụ có diện tích đậu phụng nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là địa phương có diện tích đậu phụng lớn nhất huyện Phù Cát. Điểm đáng nói, phần lớn diện tích này vốn là chân đất sản xuất lúa 1 vụ thiếu nước tưới, đất mì, đất trồng điều kém hiệu quả. Nhờ được đảm bảo nước tưới, chọn được giống đậu mới, phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt người dân được chuyển giao tiến bộ KHKT, được hỗ trợ về vốn để mua sắm máy móc công cụ sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới như tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm Trichoderma… nên năng suất thu hoạch bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha. Năng suất cao lại được giá, giá ổn định ở mức cao nên người trồng đậu lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, giá trị sản xuất trên mỗi héc ta canh tác ở xã Cát Hiệp đạt mức 134 triệu đồng/năm, nhiều hộ không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.
TRƯỜNG GIANG