Hệ lụy từ sử dụng giấy phép lái xe giả
Từ đầu tháng 4.2023 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT tỉnh đã phát hiện 2 trường hợp sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ðây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm, mà còn là nguy cơ gây TNGT.
Ngày 12.4.2023, trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến QL 19, tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT (CA tỉnh) phát hiện tài xế P.T.T. (ở huyện Tây Sơn) điều khiển xe ô tô tải vi phạm quy định chở hàng vượt phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe.
Với lỗi vi phạm trên, tổ công tác tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện. Qua kiểm tra sơ bộ, CSGT phát hiện GPLX hạng B2 của ông T. có dấu hiệu nghi giả. Ông T. khai nhận, năm 2020, khi làm phụ hồ ở TP Hồ Chí Minh, thì được một người cùng dãy trọ giới thiệu đem hồ sơ đến nộp tại một trung tâm sát hạch lái xe ở Bình Dương.
“Người này nói vì tôi biết chạy xe ô tô rồi nên không cần đến trung tâm sát hạch lái xe nữa, và trung tâm sẽ giảm chi phí cho tôi còn 3 triệu đồng. Tôi đồng ý và tầm 15 ngày sau thì người này đưa GPLX hạng B2. Tôi cầm quét mã QR trên GPLX thì thấy hiện đúng với thông tin của tôi, nên đưa tiền và sau đó sử dụng GPLX mà không kiểm tra lại thêm…”.
Tổ công tác thuộc Trạm CSGT Tuy Phước (Phòng CSGT, CA tỉnh) kiểm tra giấy tờ xe, GPLX của một tài xế điều khiển ô tô trên tuyến QL 1 đoạn qua địa bàn huyện Tuy Phước, tháng 3.2023. Ảnh: K.A
Theo quy định, tùy vào nhu cầu vận hành, điều khiển từng loại xe mà lái xe sẽ phải hoàn tất các kỳ thi cấp GPLX để được cấp loại bằng lái xe với các hạng tương ứng. Tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định tài xế điều khiển xe ô tô sử dụng bằng giả bị phạt từ 10 đến 12 triệu đồng và tịch thu GPLX giả. Ngoài ra, cá nhân đó sẽ không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện vi phạm.
Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền, phạt tù.
Theo thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh) thì GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp thường được làm giả hết sức tinh vi, người không có nghiệp vụ chuyên môn khó có thể phát hiện. Trong khi đó, người mua để sử dụng thường là người không thể thi lấy bằng hoặc ngại học nên chọn việc mua GPLX giả để tham gia giao thông.
“Việc mua, bán, sử dụng GPLX giả là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về TNGT, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của chính người sử dụng và những người tham gia giao thông khác. Bởi, đa phần người điều khiển phương tiện đều chưa được đào tạo, chưa có kỹ năng xử lý tình huống, rất dễ gây tai nạn. Hiện các trường hợp nghi sử dụng GPLX giả chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, kết luận và xử lý theo quy định pháp luật”, thượng tá Vang cho biết thêm.
Để ngăn chặn tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng GPLX giả, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý ngay các trường hợp sử dụng GPLX giả tham gia giao thông, người dân cũng phải nâng cao nhận thức về hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng GPLX giả để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
KIỀU ANH