Mang niềm vui đến trẻ mắc dị tật vận động
Sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, chương trình khám sàng lọc, chỉ định phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị mắc các dị tật vận động đã được nối lại vào chiều 21.4, trong niềm vui, phấn khởi của nhiều người.
Chương trình này do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH), Hội thiện nguyện SAP-VN (Hòa Kỳ), Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn phối hợp tổ chức. Trong tổng số 19 trẻ được đưa đến khám sàng lọc, có những gia đình từng biết đến chương trình và đăng ký khám, nhưng cũng có những gia đình đưa con đến khám lần đầu.
Có một số gia đình có trẻ là đối tượng trong chương trình, dù biết thông tin muộn, đã hết hạn đăng ký theo quy định, nhưng vẫn đưa con đến điểm khám là Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, và được chấp nhận nên càng thêm vui.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện Hội SAP-VN cho biết, tất cả trẻ có nhu cầu khám sàng lọc đều được chào đón và Hội tài trợ không hạn chế số lượng những ca được chỉ định phẫu thuật hay thay nẹp.
Bác sĩ Việt khám cho trẻ bị thừa ngón tay và tư vấn cần cắt bỏ ngón thừa. Ảnh: K.H
Kết thúc buổi khám, có 10 trường hợp được bác sĩ chỉ định phẫu thuật và 3 trường hợp được chỉ định thay nẹp. Khác với vẻ lo lắng thường thấy ở trẻ và cha mẹ các em khi nghe bác sĩ bảo “phải mổ”, toàn bộ trẻ được chỉ định phẫu thuật cùng người thân đều phấn khởi, bày tỏ niềm hy vọng.
Cậu bé Nông Văn Hân, 14 tuổi, quê ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) từng được chương trình mổ, đặt nẹp ở chân, nhưng qua một thời gian dài, Hân phát triển cao hơn mà gia đình không thay nẹp cho em.
Khi biết gia đình Hân khó khăn, không trang trải được số tiền mua nẹp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đem đến niềm vui, khi cho biết Hội SAP-VN sẽ tài trợ toàn bộ số nẹp Hân cần dùng tính từ bây giờ. Ông yêu cầu gia đình phải đảm bảo việc đưa em đi tái khám theo đúng lịch của bác sĩ.
Theo bác sĩ CKI Võ Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, toàn bộ trẻ đến khám sàng lọc năm nay đều có những loại dị tật thường gặp như: Thừa ngón, bàn tay khoèo, bàn chân khoèo, trật khớp háng, di chứng còi xương, chân chữ O, X, K, teo cơ, cứng khớp, liệt… Có một vài trường hợp đã phẫu thuật, chỉnh hình rồi nhưng lại có những biến chứng.
Bác sĩ Việt lưu ý, sau mổ là vật lý trị liệu, rồi sự hợp tác giữa người nhà và bệnh nhân trong việc tuân thủ những nguyên tắc tập luyện mà khi còn nằm bệnh viện các bác sĩ đã hướng dẫn tận tình. “Phải tuyệt đối tuân theo nguyên tắc đó. Bởi vì nếu không có sự phối hợp, không có sự kiên trì thì cho dù phẫu thuật chỉnh hình tốt tới đâu đi nữa cũng không thể cho ra kết quả như mong muốn được”, bác sĩ Việt cho hay.
Thương nhất là những trường hợp không thể can thiệp được, chỉ còn trông mong vào việc tự tập luyện. Để tránh những dị tật vận động ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo lúc mang thai, các bà mẹ nên đi siêu âm sàng lọc bất thường bẩm sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Quá trình nuôi con, cần quan sát, để ý và nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường thì phải ngay lập tức đưa con đến các bệnh viện chuyên môn.
Theo bác sĩ Việt, dù không còn nhiều nhưng vẫn có những người cho rằng “con có tật có tài”, cụ thể là trường hợp chiều 21.4, cậu bé có 6 ngón tay nhưng người mẹ không muốn con phẫu thuật lấy 1 ngón thừa đi. Rồi tư tưởng xem nhẹ, không có tiền hoặc tiếc tiền thay nẹp mới… trong khi những trẻ sau khi mổ đặt nẹp, theo tuổi phát triển, những chiếc nẹp cũ không còn phù hợp, sẽ gây ra biến chứng.
“Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ quản của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, luôn có khoản ngân sách dành cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc hưởng tiền trợ cấp hằng tháng, trẻ khuyết tật. Theo đó, bệnh viện sẵn sàng cung cấp các dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho các em”, bác sĩ Việt cho biết.
Trước thực tế số trẻ đăng ký khám sàng lọc ngày càng ít đi, từ năm 2023, các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình khám sàng lọc, chỉ định phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị mắc các dị tật vận động tại Bình Định đã thống nhất sẽ tổ chức chương trình này 2 năm một lần.
“Các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến những biểu hiện về khuyết tật vận động của con em mình và mang con đến chương trình khám đúng thời gian quy định, giúp trẻ khắc phục được dị tật, hòa nhập tốt vào cộng đồng”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa lưu ý.
KHÁNH HUÂN