Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…
“Tôi sẽ còn làm cho đến khi nào còn sức. Tâm nguyện của tôi làtìm lại anh em đồng chí, đưa họ về với quê hương, gia đình...”. Đó là chia sẻ của CCB Nguyễn Đăng Khoa (ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), người đã dành hết tâm lực cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ suốt hơn 20 năm qua.
Khắc ghi những năm tháng hào hùng
Năm 1982, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đăng Khoa xung phong lên đường tham gia chiến trường Campuchia. Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông xúc động hồi tưởng, chia sẻ đây là khoảng thời gian đẹp nhất ở lứa tuổi đôi mươi của mình.
* Những CCB tham gia chiến trường Campuchia thường ví đó là những ngày tháng “khua sương, đạp rắn, cắn mìn”, có thể “chạm tay” vào cái chết bất kỳ lúc nào. Vì sao lúc ấy ông xung phong đi chiến trường Campuchia ?
- Thời điểm này, cả nước đang sôi sục khí thế, biên giới đang cần nên tôi quyết định xung phong đi. Sau đó, tôi được biên chế về Đại đội 14, Trung đoàn 95 (thuộc Sư đoàn 307) trực tiếp chiến đấu tại tỉnh Preah Vihear (Campuchia) giáp biên giới Thái Lan.
Giai đoạn này, máu bộ đội Việt Nam không ngừng đổ trên khắp đất nước Campuchia, nhằm ngăn Pol Pot lại lần nữa trỗi dậy và hủy diệt miền đất này. Trong đó, tàn quân Pol Pot dạt đến các căn cứ dọc biên giới Thái Lan - Campuchia chốt giữ hòng xây dựng lực lượng đánh chiếm lại. Đặc biệt, chúng sử dụng lối đánh du kích, lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại từ bên ngoài, gây rất nhiều tổn thất cho quân ta…
*Được biết, trong quá trình chiến đấu tại Campuchia, ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt?
- Trận nào cũng kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, sẵn sàng hi sinh, và tôi đều khắc cốt ghi tâm. Trong đó, có trận đánh tại căn cứ 547 vào đầu năm 1984. Liên tiếp từ năm 1981 - 1983, quân ta đã nhiều lần tiến công tiêu diệt căn cứ 547 nhưng đều không thành công, nguyên nhân cơ bản là địa hình phức tạp. Trong trận đánh đầu năm 1984, bộ đội Việt Nam quyết tâm đánh với tinh thần “không có ngày mai”.
Dù trước đó bị thương do lúc hành quân gặp phải mìn của địch cài, tôi vẫn quyết tâm ra trận, làm xạ thủ 1 phụ trách bắn súng 12,7 mm tiêu diệt hỏa lực địch, góp phần cùng các lực lượng quân ta xóa sổ căn cứ 547, mở màn cho chiến dịch đi đến xóa sổ toàn bộ trung tâm đầu não của Pol Pot ở Ba Biên - Pắc Úm.
Mỗi khi hồi tưởng lại những ngày tháng ấy, trong tôi lại ùa về bao cảm xúc. Chưa giây phút nào tôi quên những đồng đội đã ngã xuống để hoàn thành cuộc chiến vì chính nghĩa này.
Ông Khoa là “người quen” của Ban CHQS huyện Tây Sơn khi thường xuyên hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho các CCB. Ảnh: H.PHÚC
Đi tìm hài cốt liệt sĩ vì “cái tâm, cái tình”
Do bị thương trong quá trình chiến đấu (tỷ lệ thương tật 21%) nên tháng 5.1985, ông Khoa được phục viên trở về địa phương, sau đó làm việc tại Xí nghiệp mía đường Đồng Hào. Năm 2002, ông làm Chi hội trưởng CCB thôn Thượng Giang 1. Từ năm 2005 đến nay, ông làm Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.
* Cơ duyên nào đưa ông đến với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ?
- Tôi từng luôn trăn trở về việc nhiều đồng đội của mình đã hy sinh còn nằm ở chiến trường, cho đến khi tham gia công tác Hội CCB, có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình liệt sĩ về địa phương để tìm mộ người thân.
Cũng từ chiến trường bước ra, từ tình đồng chí, đồng đội, tôi thấu hiểu nỗi đau mất mát của những gia đình có người thân hy sinh mà chưa tìm thấy hài cốt… Tôi rất thương và giúp họ nơi ăn chốn ở, trực tiếp dẫn đường, chỉ vị trí cũng như tham gia khai quật.
Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tôi vận động các nhà hảo tâm và người dân địa phương hỗ trợ kinh phí để gia đình liệt sĩ đi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ (HCLS) về quê hương.
* Tìm kiếm HCLS thường phải đối mặt khó khăn, nhưng nhiều khi không có kết quả. Vậy điều gì khiến ông tận tâm gắn bó với công việc này?
- Có nhiều lần vất vả lắm, phải đi lại ba, bốn lần mà vẫn không có kết quả, khiến tôi càng day dứt trăn trở. Mỗi lần tìm được một HCLS hay giúp đỡ chính xác thông tin cho gia đình liệt sĩ, tôi luôn cảm thấy thanh thản cõi lòng.
Chỉ cần biết có gia đình liệt sĩ về địa phương tìm HCLS hay thông tin về mộ liệt sĩ thì tôi đều đến liên hệ ngay, bất kể nắng mưa. Quá trình làm, tôi luôn có sự phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đến nay, tôi không thể nhớ hết đã hỗ trợ bao nhiêu gia đình liệt sĩ tìm được HCLS, thông tin về mộ liệt sĩ.
Trong đó, có những đợt tôi cùng các lực lượng xác định đúng địa điểm để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm kiếm, quy tập quy mô lớn như ở gò Dúi Dù (thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang), gò Me (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận) và nhất là tìm được 5 hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 968 để đưa về tỉnh Bình Phước an táng.
* Trong quá trình làm công việc này, chắc hẳn ông có những kỷ niệm đáng nhớ?
- Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên qua những chuyến đi. Đặc biệt, sự việc tìm được thân nhân của liệt sĩ Trương Công Thanh (quê huyện Tây Sơn, chiến sĩ Trung đoàn 94, Sư đoàn 307, hy sinh năm 1984 tại chiến trường Campuchia) giống như một sự linh thiêng nào đó. Bởi trước đó, thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 - người coi chiến sĩ Trương Công Thanh là “lính cật ruột” của mình - đã cùng tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Một ngày nắng gắt cách đây 10 năm, khi đang chợp mắt nghỉ trưa tại nhà, trong đầu tôi cứ luôn xuất hiện hình ảnh liệt sĩ Thanh . Bừng tỉnh, tôi chạy xe xuống Phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, nhờ anh em cùng lục tìm hồ sơ.
Sau khi xác định được chính xác liệt sĩ Thanh quê ở xã Tây Phú, tôi tức tốc chạy vô Tây Phú hỏi thăm khắp nơi và tìm được nhà của người em ruột liệt sĩ Thanh. Như linh tính mách bảo, thiếu tướng Huy cũng hoãn chuyến công tác từ Gia Lai đi Hà Nội, và có mặt ở Ban CHQS huyện Tây Sơn để tìm thông tin về thân nhân liệt sĩ Thanh trước khi tôi gọi điện báo.
CCB Nguyễn Đăng Khoa luôn nặng lòng với công tác tìm kiếm HCLS và làm điều đó bằng cái tâm, cái tình. Ảnh: H.PHÚC
Làm việc ý nghĩa khiến mình sung sức hơn
Khi chúng tôi liên hệ CCB Nguyễn Đăng Khoa để thực hiện bài viết này, ông bảo: “Sáng mai 7 giờ tôi đi giúp vợ chồng CCB Nguyễn Văn Đi và Nguyễn Thị Điềm (ở xã Tây Xuân) làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp cho người làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, tại Ban CHQS huyện. Cậu vô đó gặp tôi luôn nhé”. Cùng với việc tìm kiếm mộ liệt sĩ, đây cũng là một công việc quen thuộc mà ông Khoa dành toàn tâm toàn sức để thực hiện.
* Dường như ngọn lửa nhiệt huyết của người lính trong ông cứ cháy mãi chẳng bao giờ tắt?
- Tôi luôn tâm niệm rằng “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” nên mọi việc làm của tôi đều là tình nguyện nhưng đi kèm với trách nhiệm, xuất phát từ cái tâm, không cần tiền bạc, không cần nhận bất cứ thứ gì. Niềm vui lớn nhất của tôi là góp chút công sức nhỏ nhoi của mình giúp các gia đình liệt sĩ và các thế hệ CCB V iệt Nam.
* Nhưng năm nay ông cũng đã 59 tuổi rồi…
- Còn sức là tôi còn cống hiến, mà làm việc ý nghĩa lại luôn khiến mình cảm thấy sung sức hơn. Hiện nay, ở Nghĩa trang liệt sĩ Bình Giang (xã Tây Giang) vẫn còn 18 ngôi mộ liệt sĩ của Sư đoàn 968, Sư đoàn 3 Sao Vàng chưa biết tên. Tôi rất trăn trở về việc này, nên đang tích cực phối hợp với Tổ tình nguyện tìm kiếm HCLS do CCB Vũ Đình Luật (nguyên cán bộ Sư đoàn 968) làm tổ trưởng, để tìm kiếm thông tin, xác định danh tính kết nối với thân nhân, đưa các anh trở về với gia đình.
*Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này!
Cuối tháng 3.2023, tại hội nghị tổng kết chương trình phối hợp tuyên truyền vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS giai đoạn 2017 - 2022, do Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS và Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức, CCB Nguyễn Đăng Khoa đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc. Ngoài ra, ông Khoa cũng được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen của các cấp, ngành.
HỒNG PHÚC (Thực hiện)