Nhà thơ Giang Nam - người nghệ sĩ hết lòng vì sự nghiệp cách mạng
Đó là một đêm khá lạnh của năm 1970, tôi ngồi trước máy đánh chữ trên căn gác ngôi nhà số 42 đường Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân), TP Đà Lạt; đang lui cui sắp xếp bài vở chuẩn bị đánh lên giấy stencil để in ronéo tập tuyển thơ nhiều tác giả kịp phục vụ đại hội sinh viên Phật tử Đà Lạt nhiệm kỳ mới. Anh Ngô Thế Lý, khi ấy là Chủ tịch Sinh viên Phật tử vội vã băng mình giữa tối giới nghiêm căng thẳng, từ chùa Linh Sơn bí mật đem về bản chép tay bài thơ Quê hương, Nghe em vào đại học của Giang Nam, bảo đây là nhà thơ kháng chiến, phải đăng ngay vào tuyển thơ Việt Nam dân tộc anh hùng mình chuẩn bị xuất bản mới được. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận với sáng tác của Giang Nam.
Tâm trạng tôi lúc ấy vừa thích thú lại vừa hồi hộp. Thích thú là bởi thơ của Giang Nam khiến tôi rung động theo cách rất lạ, trước giờ chưa gặp; nhưng cũng rất hồi hộp bởi nếu đang đánh máy mà mật vụ ập vào coi như nguy to, vì nơi tôi trọ cũng là nơi cư ngụ của nhiều viên chức chính quyền, cảnh sát chế độ Sài Gòn. Nhằm đề phòng bất trắc, chúng tôi phải hãm thanh tối đa tiếng máy đánh chữ vọng ra, lấy chăn mền che kín cửa để ngăn ánh điện làm việc hắt qua cửa gương xuống phố đêm.
Nhà thơ Giang Nam (1929 - 2023)
Sức quyến rũ của thơ Giang Nam thôi thúc chúng tôi kỳ công chép bài Nghe em vào đại học từ chương trình thơ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để đăng vào tập san Tin Tưởng của sinh viên Phật tử Đà Lạt số có chủ đề “Đồng bào ta một lòng đuổi Mỹ” sau đó. Những sáng tác của Giang Nam cùng nhiều thơ, nhạc của các văn nghệ sĩ cách mạng hồi ấy như làn sóng điện tỏa lan trong chúng tôi tình yêu quê hương Việt Nam nồng nàn… Cũng do vậy, những sáng tác của tôi sớm dấn thân đối diện cuộc chiến và thực trạng đất nước mà các báo chí đối lập chế độ cũ trước đây như: Đối diện, Tin sáng, Tin tưởng, Tự quyết, Trình bày… thường đăng tải.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp Giang Nam tại Nha Trang. Trước mắt tôi, nhà thơ có vóc người tầm thước trung bình nhưng ẩn chứa nét phong trần với gương mặt sáng, dễ thân thiện, dễ xúc cảm. Hôm đó ông nói chuyện với giới công chúng tỉnh Phú Khánh sau chuyến đi thực tế các cuộc thảm sát mà Khmer Đỏ gây ra cho đồng bào ta dọc theo nhiều tỉnh biên giới Tây Nam. Trong khi nhà thơ kể lại những điều mắt thấy tai nghe về những bạo tàn, thương đau, tang tóc dân mình phải gánh chịu, thi thoảng giọng nói ông chùng xuống nghèn nghẹn, chặp chặp ông lại gỡ kính ra lau mắt vì nhòe lệ.
Sau này khi nhà thơ Giang Nam về làm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với ông. Hòa bình lập lại, mạch thơ Giang Nam toát ra phần cảm thông, chia sẻ với bao hoàn cảnh thiệt thòi; thậm chí khoan dung với kẻ lạc đường, độ lượng với số phận con người. Ông đặc biệt chia sẻ với chúng tôi việc giao chuyển tác phẩm đến tòa soạn, nhà xuất bản; cách giữ gìn bảo quản cẩn thận bản thảo trong mọi tình huống. Vậy mà có lần khi đem tập bản thảo vào cho nhà in trong TP Hồ Chí Minh, do ông cẩn thận cất trong cặp táp dày cộp, khư khư giữ bên mình bất ly thân khiến kẻ gian ngỡ ông đang giữ nhiều tiền nên đã dàn cảnh xô đẩy chen lấn, rạch cặp lấy mất tập bản thảo… Mãi sau ông mới hay, bần thần tiếc ngẩn ngơ tập bản thảo!
Cả đời làm cách mạng, Giang Nam lúc nào cũng nghĩ đến chữ tâm, chữ đức. Ông chia sẻ: Thi ca rất cần giữ lề lối đạo đức, ngày xưa chúng tôi làm thơ cũng chỉ để phục vụ cho cái chân - thiện - mỹ, ngày nay cũng phải thế… Làm văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ là phải phát hiện ra cái mới, phải đi tìm, nuôi dưỡng và bảo vệ những người sáng tạo đích thực, chứ không phải đến ngồi tán gẫu cho sung sướng rồi hưởng lương, rồi đấu đá, thế thì buồn lắm…
Khi ấy hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Khánh chưa nhiều; hội viên cánh Phú Yên lại càng quá ít nên Giang Nam rất quan tâm đến anh em, tìm cách phát triển đội ngũ. Nên khi tôi lập gia đình, đích thân Chủ tịch Hội VHNT Giang Nam cùng các văn nghệ sĩ nhiệt tình đi xe ra TX Tuy Hòa dự cưới. Hôm ấy nhằm ngày tết Dương lịch năm 1984, tổ chức tại nhà 69 đường Nguyễn Huệ. Đám cưới tiệc trà, bạn bè chúc mừng, rồi hát ca, đọc thơ, kể chuyện vui… Giang Nam xung phong lên trước tiên, ông đọc liền 3 bài thơ tặng tiệc cưới, xong quay sang bắt tay chân thành chúc mừng cô dâu chú rể. Lần lượt nhà thơ Đào Xuân Quý, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà thơ Triệu Phong cũng vậy. Riêng họa sĩ Thanh Hồ vẽ sẵn chân dung phác họa tôi tặng trong dịp này. Rất vui!
Những văn nghệ sĩ đàn anh ngày ấy bao năm qua đã lần lượt về miền mây trắng. Mấy tháng trước, nhà thơ Giang Nam - người cuối cùng trong số văn nhân thi sĩ ở Nha Trang ra Phú Yên dự ngày vui của tôi cách nay gần 40 năm, cũng đã ra đi. Tôi nhớ ông - một nghệ sĩ đàn anh rất nhiều. Ông là người tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tôi về hình ảnh người nghệ sĩ chân thành, trong vắt và hết mình vì sự nghiệp cách mạng.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN