Xem - Nghe - Đọc
*Mùi cỏ cháy do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản, nghệ sĩ Hữu Mười đạo diễn, đặc biệt có dựa trên quyển nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Bối cảnh chính là sự kiện mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là 4 sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội - Hoàng, Thành, Thăng, Long - theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971. Họ được huấn luyện tốc hành và tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh, còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Chuyện phim được kể lại từ ký ức của Hoàng khi ông thăm lại chiến trường xưa. Link: https://tinyurl.com/yc7dxp7d
* Rồi ta sẽ ngắm pháo hoa cùng nhau là một ca khúc có ca từ giản dị, mộc mạc do O.lew sáng tác và trình diễn. Cô gái có chất giọng nhẹ như hơi thở mượt mà viết và chân thành hát lên rằng: “Người đón em đến bên đời là điều tuyệt nhất để khiến em cười/ Người cứ như ô che mưa, như mây bay qua cho ngày trong xanh/ Ở đây có anh này, em thật nhỏ bé trong chiếc ôm này/ Ấm hơn chăn mà, còn thơm hơn hoa mà, sao em nỡ rời xa?”. Sinh năm 1999, nhạc sĩ - ca sĩ O.lew hãy còn rất trẻ và phía trước còn hứa hẹn từ cô. “Rồi ta sẽ ngắm pháo hoa cùng nhau trên tầng thượng, phía bên kia dòng sông/ Vạn lời chúc ấm êm cho nhau là sẽ thành đôi sau vài cái xuân”.
* Hồi ức một sĩ quan tùy viên, tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn. Từ cuốn sách này người đọc có thể phần nào hình dung lại một giai đoạn lịch sử và một phần chính trường miền Nam, hiểu rõ hơn một phần về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua góc nhìn của sĩ quan tùy viên thân cận bên các đời tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, toàn cảnh đối nội, đối ngoại trên chính trường miền Nam Việt Nam được khắc họa rõ nét, cả những câu chuyện tưởng như “thâm cung bí sử” cũng được nhắc đến dưới góc nhìn của những nhà cầm quyền. Đặc biệt, mối quan hệ giữa chế độ Ngụy quyền Sài Gòn và Mỹ được nhắc đến nhiều nhất, theo nhiều góc nhìn, mang lại cái nhìn toàn cảnh rộng lớn hơn cho người đọc về một giai đoạn của miền Nam.
ÐÔNG A