Xưa anh hùng, bất khuất, nay tự tin, tự trọng
Ði qua thời chiến, những nữ thanh niên xung phong, thương binh vẫn nhớ như in ký ức về một thời hào hùng, không tiếc thân mình góp sức vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Thời bình, họ chung tay xây dựng quê hương.
Tuổi xuân vì đất nước
Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, bà Lê Thị Tuyết Sương (SN 1952, hiện ở khu phố 5, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) đã quen với việc cha mẹ mình nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho cán bộ cách mạng, bộ đội. Từ thuở nhỏ, cô bé Sương đã giúp bộ đội đưa thư, đến năm 1968 thì chính thức tham gia thực hiện nhiệm vụ được Huyện đội Tuy Phước giao.
Bà Sương hiện đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn không thể nào quên năm 1972, khi bị địch bắt vào tù và tra tấn dã man. Nỗi đau da thịt, vết thương hằn lên cơ thể vẫn không thể khuất phục được ý chí, sự kiên cường của cô gái tuổi đôi mươi.
“Trước đó, đồng đội luôn nói rằng thà hy sinh trên chiến trường còn sướng hơn vào tù, chịu tra tấn bởi địch dã man và không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Khi bị địch bắt giam 3 năm trong tù, tôi có lúc tưởng chừng bỏ mạng, nhưng vẫn cùng đồng đội trong tù truyền động lực cho nhau phải sống và tiếp tục chiến đấu”, bà Sương xúc động hồi tưởng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (SN 1953, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) từ năm 17 tuổi đã đảm nhiệm công tác địch vận tại huyện Hoài Nhơn. “Năm 1970, tôi bị địch bắt khi đang làm công tác liên lạc. Khi ấy, trong tay vẫn còn thư của cơ quan, tôi quyết định nuốt ngay để tránh bị lộ. Lần khác, vào năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi cùng đồng đội vận động lính ngụy ngừng bắn. Thỏa thuận hoàn thành nhưng sang hôm sau, địch nuốt lời và xả súng liên tục. Tôi lập tức nhảy vào hầm trú ẩn mới toàn mạng”, bà Hồng kể.
Các thành viên CLB Nữ thương binh trung hậu, đảm đang phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) sinh hoạt nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023). Ảnh: D.LINH
Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, bà Nguyễn Thị Thanh Trà (SN 1952, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) làm nhiệm vụ liên lạc tại Tiểu đội 1, Tổng đội TNXP tỉnh. Trải qua nhiều đau thương khi tận mắt chứng kiến đồng đội, bạn bè hy sinh, bản thân cũng là thương binh loại 4, bà đã nên duyên với ông Dương Văn Minh, chiến sĩ Đại đội Đặc công 506A, thương binh loại 1. Ông Minh bị thương ở mắt trong trận đánh ở sân bay Chu Lai năm 1967, mất thị lực vĩnh viễn.
Bà Trà chia sẻ: “Sự thông cảm giữa đồng đội với nhau và biết trân quý tình người giữa thời chiến nảy lửa đã giúp chúng tôi nên duyên. Tôi làm đôi mắt cho anh. Anh trở thành chỗ dựa tinh thần, cùng tôi vượt qua chông gai, hướng về ngày độc lập của dân tộc”.
Góp sức xây dựng quê hương
Đi qua cuộc chiến, đến thời bình, những nữ chiến sĩ ngày ấy chọn sống có ích, tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương.
Sau khi đảm đương nhiều cương vị ở huyện Tuy Phước, năm 1992, bà Tuyết Sương về công tác tại Hội LHPN tỉnh. Tại đây, bà chú trọng triển khai các hoạt động, công tác nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ miền núi bằng cách phối hợp với ngành giáo dục, y tế, mở các lớp xóa mù chữ, tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, kiến thức nuôi dạy con, trồng trọt, chăn nuôi…
“Phụ nữ thời nào cũng phải được trang bị kiến thức để làm việc hiệu quả, xây dựng lối sống văn minh, an toàn. Với chị em sống ở miền núi, hạn chế về nhiều mặt thì việc quan tâm, hỗ trợ càng nên được đẩy mạnh. Theo tôi, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời bình để nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ”, bà Sương nhìn nhận.
Tương tự, hiện tại, bà Thúy Hồng là Phó đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Bà còn tích cực tham gia công tác tại phường. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, bà là thành viên xông xáo của tổ Covid cộng đồng, không ngại bệnh dịch, hỗ trợ người dân hết mình, nhất là các trường hợp mắc bệnh, cách ly.
Chia sẻ về nguyên tắc sống và làm việc, bà Hồng nói: “Trước hết, phải sống gương mẫu, tuân thủ pháp luật; sau đó, cần gần gũi với người dân để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước một cách dễ hiểu, chân tình. Đó là cách tôi làm để góp sức xây dựng địa phương mình ngày một tốt đẹp hơn”.
DƯƠNG LINH