Làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi vi rút Ebola
Vi rút Ebola đang gây dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại khu vực Tây Phi và có nguy cơ lây lan trên toàn cầu. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra một số lời khuyên giúp mọi người tự bảo vệ mình khỏi vi rút Ebola chết người.
Để ý các triệu chứng
Người bị nhiễm vi rút Ebola có các triệu chứng sau: sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp, yếu sức, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, ăn không ngon và trong một vài trường hợp, có thể bị chảy máu.
Vi rút Ebola lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ cơ thể của người bệnh hoặc tiếp xúc với những vật nhiễm dịch tiết của người bệnh, chẳng hạn như kim tiêm.
Chỉ đến khi người nhiễm vi rút Ebola xuất hiện các triệu chứng nói trên thì họ mới có khả năng lây cho người khác.
Dịch tiết cơ thể
Vi rút Ebola có thể lây thông qua các loại dịch tiết cơ thể như nước mũi, tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt, mồ hôi, chất nôn mửa, phân hoặc máu.
Khả năng vi rút Ebola lây lan từ người này sang người khác ở những nơi đông đúc như máy bay hay tàu hoả là rất thấp vì nó đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể.
Tỉ lệ tử vong của dịch sốt Ebola là rất cao (tới 90%). Bệnh nhân phục hồi khỏi căn bệnh này cần tiếp tục được theo dõi giám sát trong vòng gần 2 tháng vì vi rút vẫn có thể lây truyền cho người khác. Theo WHO, vi rút Ebola có khả năng lây qua tinh dịch sau khi bệnh nhân khỏi bệnh tới 7 tuần.
Tránh tiếp xúc với cơ thể nạn nhân nhiễm Ebola
Vi rút Ebola cũng lây lan cho người tiếp xúc với cơ thể của nạn nhân chết vì loại dịch bệnh này, chẳng hạn như trong quá trình tổ chức tang ma và chôn cất nạn nhân.
Người bệnh chết vì Ebola cần phải được chôn cất nhanh chóng và an toàn - WHO khuyến cáo.
Đối với nhân viên y tế
Cần cách ly bệnh nhân đến từ vùng có dịch Ebola và người có triệu chứng nghi nhiễm Ebola.
Nhân viên y tế cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như đeo khẩu trang, mang găng tay và mặc quần áo tay dài để tự bảo vệ mình khi điều trị cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế cũng nên rửa tay thường qui trước và sau khi tiếp xúc với bất cứ bệnh nhân nào bị sốt, xử lý kim tiêm và ống tiêm an toàn.
Thời gian ủ bệnh của Ebola, tức khoảng thời gian từ lúc bị nhiễm cho đến khi khởi phát triệu chứng, là 21 ngày.
Tránh ăn thịt sống
Vi rút Ebola có thể lây từ động vật sang người sau khi tiếp xúc gần với máu, bộ phận cơ thể hay dịch tiết của động vật nhiễm bệnh. Dơi ăn quả là vật chủ tự nhiên của vi rút Ebola.
WHO cho biết, châu Phi đã ghi nhận nhiều trường hợp tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím bị bệnh hoặc chết vì nhiễm vi rút Ebola. Người dân nên tránh ăn hay tiếp xúc với thịt rừng sống.
Nếu dịch sốt Ebola nghi ngờ bùng phát tại trang trại chăn nuôi thì cần cách ly kiểm dịch ngay lập tức đối với cơ sở chăn nuôi đó và tiêu huỷ gia súc bị bệnh dưới sự giám sát chặt chẽ.
Tố Uyên (Theo AFP)